Theo các nhà phân tích, với mối quan hệ được đánh giá là đặc biệt trong các mối quan hệ quốc tế hiện nay, với những điểm tương đồng lớn về lịch sử, văn hóa và lợi ích chiến lược, chuyến thăm này của Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ là một trong những yếu tố quyết định sự lựa chọn của nước Anh trong vấn đề này.

Tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Anh David Cameron ở thủ đô London, Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 22/4 một lần nữa nhắc lại lập trường của Mỹ rằng, nước Anh nên ở lại Liên minh châu Âu, đồng thời cảnh báo, nếu lựa chọn rời Liên minh châu Âu, tức là nước Anh đã “tự làm khó mình” trong các mối quan hệ thương mại với Mỹ. 

_89396692_89396690_psen.jpg
Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) và Thủ tướng Anh David Cameron. (ảnh: Reuters).

Tổng thống Obama nói: “Quyết định cuối cùng thuộc về cử tri Anh. Nhưng với mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước chúng ta, tôi xin thẳng thắn nói rằng, đây là một trong những vấn đề quan tâm sâu sắc của Mỹ vì nó ảnh hưởng tới các triển vọng của chúng ta. Mỹ muốn một Vương quốc Anh mạnh mẽ với vai trò là một đối tác, song nước Anh mạnh nhất là khi các bạn đóng góp vào một châu Âu mạnh mẽ”.

Trước đó một ngày, ngay khi vừa đặt chân tới London tối 21/4, Tổng thống Obama cũng đã thẳng thắn thể hiện lập trường này trước báo giới Anh.

Theo các nhà phân tích, việc Tổng thống Mỹ dành hẳn 4 ngày cho chuyến thăm Anh cho thấy mức độ quan tâm của chính phủ Mỹ đối với tương lai của nước Anh như thế nào. Bởi nếu đồng minh hàng đầu của Mỹ ở châu Âu rời khỏi Liên minh châu Âu thì điều này sẽ làm suy yếu đáng kể các mối quan hệ giữa Mỹ và các thể chế tại châu Âu.

Về mặt quân sự và ngoại giao, một châu Âu mạnh và đoàn kết đảm bảo sẽ giúp Mỹ thắng thế trong cuộc đua với Nga để giành ảnh hưởng tại châu lục này. Hơn nữa, việc Anh ở lại Liên minh châu Âu sẽ tạo thuận lợi cho Mỹ trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, mối quan ngại hàng đầu của Mỹ vào thời điểm hiện nay.

Theo Tổng thống Mỹ Barack Obama, hàng chục nghìn người Mỹ từng tham gia và đã hi sinh trong hai cuộc chiến tranh thế giới tại châu Âu đã cho thấy sự thịnh vượng và an ninh của Mỹ và Liên minh châu Âu là hòa quyện với nhau.

 “Mối quan hệ giữa hai nước chúng ta là không thể tách rời, với các nền tảng về tình cảm, văn hóa và trí tuệ. Vì vậy, chuyến thăm Anh lần này của tôi  là để khẳng định, bằng cách này hay cách khác, bất kỳ quyết định nào của người dân Anh cũng sẽ không thể ảnh hưởng tới quan hệ Anh- Mỹ, vốn dựa trên những nền tảng bền vững và hi vọng sẽ mãi trường tồn”, ông Obama cho hay.

Chuyến thăm Anh của Tổng thống Mỹ Barack Obama được đánh giá là rất đúng thời điểm và có thể coi là “một chiếc phao cứu sinh” với Thủ tướng Anh Cameron, khi mà chỉ số tín nhiệm của ông đã sụt giảm mạnh chỉ trong vòng 1 tháng vừa qua do tác động của vụ bê bối “Hồ sơ Panama”.

Tuy nhiên, thực tế dường như lại khác. Những phát biểu của ông Obama đã làm phật ý những người vốn phản đối mạnh mẽ việc nước Anh ở lại Liên minh châu Âu.

Khoảng 100 nghị sĩ Anh, trong đó phần lớn là những người bảo thủ và ủng hộ nước Anh rời Liên minh châu Âu ngày 22/4 đã đồng loạt lên tiếng kêu gọi Tổng thống Mỹ Barack Obama cắt ngắn lịch trình chuyến thăm chính thức Anh và cho rằng, ông Obama đã can thiệp quá sâu vào những vấn đề nội bộ của nước này khi chỉ còn 2 tháng nữa là tới cuộc trưng cầu ý dân về sự đi hay ở của nước Anh trong Liên minh châu Âu vào ngày 23/6 tới. 

Theo kết quả thăm dò dư luận mới nhất trên Thời báo Tài chính Anh,  những người ủng hộ việc nước Anh rời Liên minh châu Âu đang ngày càng tăng và khoảng cách với những người ủng hộ Anh ở lại Liên minh châu Âu là khá sít sao. Khoảng 42% cử tri Anh ủng hộ Anh rời Liên minh châu Âu, so với 44% phản đối và 14% chưa đưa ra quyết định.

Song kết quả này chưa phải là cuối cùng, bởi cùng với những tác động từ lập trường của Mỹ, những yếu tố ảnh hưởng khác đó là cuộc khủng hoảng tại khu vực đồng tiền chung châu Âu, cuộc khủng hoảng người tị nạn và những cuộc khủng hoảng mới có thể xảy ra trong tương lai đối với Liên minh châu Âu./.