Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 15/11 đến Athens, Hy Lạp, trong chuyến thăm cuối cùng của ông đến châu Âu trước khi rời nhiệm sở nhằm đảm bảo với các đồng minh ở bên kia bờ Đại Tây Dương rằng, Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ duy trì quan hệ chiến lược cốt lõi của Mỹ trên khắp thế giới, trong đó có quan hệ với các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

nato_zbqt.jpg
Tổng thống Obama cho biết, sẽ không có sự suy yếu nào trong mối quan hệ với NATO khi Tổng thống đắc cử Donald Trump lên nắm quyền. (Ảnh: AP)

Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump đã chỉ trích các nước đồng minh NATO vì không chi trả đủ cho chính các hoạt động quốc phòng của họ trong khi Mỹ lại phải đóng góp quá nhiều để thay đổi thế giới.

Ông Trump từng phát biểu trên tờ Washington Post rằng, Mỹ không thể tiếp tục tài trợ cho NATO ở mức độ hiện nay. Bình luận của ông Trump chỉ nhắc lại quan điểm của một bộ phận chính giới Mỹ lâu nay cho rằng có quá nhiều đồng minh trong NATO không hoàn thành cam kết chi 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho quốc phòng.

Chỉ có Mỹ cùng 4 thành viên NATO khác là Hy Lạp, Anh, Estonia và Ba Lan hoàn thành mục tiêu này năm ngoái trong khi các nước lớn như Pháp và một đồng minh ở vị trí chiến lược giữa 2 lục địa Á – Âu như Thổ Nhĩ Kỳ cũng chỉ gần đạt mục tiêu này.

Bất chấp nhưng chỉ trích của ông Trump về chi tiêu của NATO trong chiến dịch tranh cử, Tổng thống Obama khẳng định, người kế nhiệm ông đã cam kết sẽ duy trì mối quan hệ chặt chẽ với các đồng minh của Mỹ.

Phát biểu trước chuyến thăm Hy Lạp và Đức, ông Obama nhấn mạnh, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất trong chuyến thăm là trấn an những đồng minh đang lo ngại quan hệ song phương bị ảnh hưởng sau chiến thắng của ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống vừa qua.

“Trong cuộc thảo luận của tôi với Tổng thống đắc cử Donald Trump, ông ấy đã thể hiện mong muốn mãnh liệt trong việc duy trì quan hệ chiến lược này. Vì thế, một trong những thông điệp mà tôi có thể thay mặt ông ấy đưa ra chính là cam kết với NATO và các đồng minh ở bên kia bờ Đại Tây Dương.

Tôi nghĩ rằng một trong những điều quan trọng nhất mà tôi có thể làm được trong chuyến thăm này là để họ biết rằng, sẽ không có sự suy yếu nào trong mối quan hệ với NATO. Quan hệ đồng minh này không chỉ tốt cho châu Âu hay Mỹ mà cần thiết cho cả thế giới”, ông Obama nói.

Tuyên bố đưa ra trong bối cảnh cuộc họp Hội đồng Đối ngoại Liên minh châu Âu (EU), với sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng 28 nước thành viên hôm qua đã nhất trí một kế hoạch phòng thủ mới với việc lần đầu tiên cho phép cử một lực lượng phản ứng nhanh ra nước ngoài. Động thái này được cho là để EU có thể hành động khi cần thiết mà không cần sự phối hợp với Mỹ.

Bộ trưởng quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian đánh giá, "chiến lược tự chủ của châu Âu phải được xây dựng dù Tổng thống Mỹ là ai". Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula Von der Leyen cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, Liên minh châu Âu cần sẵn sàng đóng vai trò ngày càng quan trọng hơn về quốc phòng cả trong và ngoài khuôn khổ NATO.

Tuy nhiên, Liên minh châu Âu có lẽ chưa đạt đến mức động đồng thuận cao nhất về hợp tác quốc phòng bởi Anh vẫn bác bỏ ý tưởng về một quân đội chung của khối, cho rằng thay vào đó, cách tốt nhất là các nước Liên minh châu Âu, đặc biệt là những nước giàu phải tăng cường chi tiêu quốc phòng của chính họ./.