“Thỏa thuận này cho thấy chính sách ngoại giao của Mỹ có thể mang lại những thay đổi ý nghĩa. Sự thay đổi làm cho đất nước của chúng ta và thế giới trở nên an toàn hơn. Do đó, tôi sẽ phủ quyết bất kỳ đạo luật nào nhằm ngăn cản việc thực thi thành công thỏa thuận này” - Tổng thống Mỹ Obama nói.
Iran và nhóm P5+1 đạt thỏa thuận hạt nhân lịch sử (ảnh: AP) |
Cùng với Mỹ, ngay sau khi Iran và nhóm P5+1 đạt thỏa thuận hạt nhân lịch sử sau hơn một thập kỷ đàm phán, cộng đồng quốc tế đã đồng loạt lên tiếng hoan nghênh thỏa thuận này vì những lợi ích về an ninh và kinh tế mà nó mang lại.
Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini đánh giá thỏa thuận "lịch sử" về hồ sơ hạt nhân của Iran vừa đạt được ngày 14/7 tại thủ đô Vienna (Áo) sẽ mở ra một giai đoạn mới trong quan hệ quốc tế. Phát biểu trước báo giới sau khi kết thúc cuộc họp "cuối cùng" của các Ngoại trưởng Iran và Nhóm P5+1 tại Vienna, bà Mogherini chính thức tuyên bố Nhóm P5+1 và Iran đã đạt được thỏa thuận lịch sử nhằm đảm bảo Iran không chế tạo bom hạt nhân: “Tất cả chúng ta đều hiểu rằng, quyết định mà chúng ta đã thực hiện ngày hôm nay không chỉ là về chương trình hạt nhân Iran mà nhiều hơn thế. Quyết định này có thể mở ra con đường đến một giai đoạn mới trong các mối quan hệ quốc tế và cho thấy rằng, vai trò của ngoại giao và hợp tác có thể vượt qua hàng thập kỷ căng thẳng và đối đầu. Tôi cho rằng đây là dấu hiệu của sự hi vọng cho toàn thế giới và tất cả chúng ta đều biết rằng điều này là rất cần thiết.”
Từ Iran, Tổng thống Hassan Rouhani tuyên bố thỏa thuận vừa đạt được với Nhóm P5+1 sẽ mở ra “một chân trời mới” trong quan hệ giữa nước này với cộng đồng quốc tế, trong khi Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif tin tưởng thỏa thuận sẽ mở ra "một chương mới của hy vọng" cho đất nước Hồi giáo này.
Hầu hết những ý kiến đánh giá từ cộng đồng quốc tế đều cho rằng, thỏa thuận hạt nhân lịch sử vừa đạt được giữa Iran và nhóm P5+1 có thể giúp ích cho sự ổn định an ninh tại khu vực Trung Đông.
Ngoại trưởng Đức Walter Steinmeier cho biết: “Đây là một ngày lịch sử bởi 12 năm đàm phán cũng đã kết thúc với một thỏa thuận. Đây là một thỏa thuận có trách nhiệm và là một thỏa thuận tốt mà tôi cho rằng nó sẽ giúp tăng cường an ninh ở khu vực Trung Đông và ở các nước láng giềng của Iran.”
Tổng thống Nga Vladirmia Putin thì cho rằng thỏa thuận hạt nhân Iran là một sự lựa chọn vì sự ổn định và hợp tác. Với thỏa thuận này, thế giới có thể thở phào nhẹ nhõm. Ông Putin nhấn mạnh, thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ đóng góp cho cuộc chiến chống khủng bố ở Trung Đông.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến nhấn mạnh đến những hiệu quả về kinh tế mà thỏa thuận này mang lại. Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius tin tưởng rằng thỏa thuận sẽ có "hiệu quả vững chắc" trong ít nhất 10 năm tới. Ông hy vọng các doanh nghiệp Pháp sẽ được dành chỗ đứng "xứng đáng" trên thị trường Iran.
Trong khi đó, Ixraen, đồng minh thân cận nhất của Mỹ tại Trung Đông, đã lập tức chỉ trích thỏa thuận của Iran. Thủ tướng Benjamin Netanyahu cho rằng thỏa thuận là “sai lầm tồi tệ trong lịch sử”.
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA) sẽ sớm thông qua nghị quyết về thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và Nhóm P5+1 trong “vài ngày tới”, để thỏa thuận sớm được triển khai./.