Các nhà ngoại giao hy vọng, những cuộc đối thoại nước rút này sẽ đạt được kết quả đột phá, và chỉ trong hôm nay có thể tiến tới một thỏa thuận lịch sử, giúp nới lỏng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran và hạn chế qui mô chương trình hạt nhân của quốc gia Hồi giáo này.
Đàm phán hạt nhân Iran tại Viena Áo (ảnh: Reuters) |
Một trong những khó khăn lớn nhất trong các cuộc đàm phán tuần này là sự chia rẽ trong nội bộ nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) về lệnh cấm vấn vũ khí của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc. Iran cho rằng những lệnh cấm này cần phải được dỡ bỏ ngay lập tức nếu các bên tiến tới một thỏa thuận.
Nga lên tiếng ủng hộ yêu cầu của Iran, nhưng một số nước khác lo ngại điều này có thể tạo nên một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực. Bên cạnh đó, các bên cũng chưa đạt được bước tiến trong việc tiếp cận, giám sát các địa điểm quân sự hạt nhân của Iran. Nhận định sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Iran hôm qua, Ngoại trưởng Mỹ Kerry thừa nhận, vẫn còn nhiều vấn đề khó khăn cần giải quyết.
Ngoại trưởng Mỹ và Iran gần như có cuộc gặp hàng ngày kể từ khi ông Kerry đến Áo cách đây hơn 2 tuần để hoàn thành giai đoạn cuối cùng cho các cuộc đàm phán kéo dài hơn 1 năm qua.
Ngoại trưởng Pháp hôm qua gây sức ép lên Mỹ với Iran khi tuyên bố rằng, mọi thứ đã đặt trên bàn đàm phán và đã đến thời điểm quan trọng để đưa ra quyết định về chương trình hạt nhân của Iran. Cao ủy Liên minh châu Âu phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini cũng khẳng định, nội dung đã được hoàn thành, vấn đề là các bên cần nói “ có” hay “ không”.
Một dấu hiệu cho thấy sự nhượng bộ của Iran khi có thông tin cho rằng, nước này sẵn sàng duy trì lệnh cấm vận vũ khí 6 tháng sau khi đạt được thỏa thuận. Tổng thống Iran Hassan Rouhani hôm qua cũng khẳng định quyết tâm của Iran theo đuổi các cuộc đối thoại hạt nhân: “ Chúng tôi đã đối thoại với các cường quốc. Nếu các cuộc đàm phán hạt nhân thất bại, cũng chỉ cho thế giới thấy rằng chính sách của Iran là hợp lí. Iran không bao giờ rời bàn đàm phán và luôn đưa ra câu trả lời tốt nhất. Còn nếu chúng ta đạt được thỏa thuận cũng chứng minh rằng, Iran có thể giải quyết những vấn đề lớn nhất của mình thông qua đàm phán”.
Tuy nhiên, trong một động thái khá bất ngờ khi các cuộc đàm phán đang vào giai đoạn nước rút, Lãnh tụ tối cao của Iran Ayatollah Ali Khamenei hôm qua kêu gọi tiếp tục cuộc chiến chống Mỹ. Ông Khamenei khẳng định, sự mất tin tưởng của Iran đối với Mỹ sẽ vẫn còn, bất chấp kết quả cuộc đàm phán như thế nào. Ông cũng gọi Mỹ là một ví dụ về sự “ ngạo mạn” và kêu gọi người dân Iran cần chuẩn bị tiếp tục cuộc chiến chống lại các “ cường quốc ngạo mạn” này.
Mặc dù không đề cập rõ ràng rằng các cuộc đối thoại hạt nhân thất bại, nhưng tuyên bố của ông Khamenei đã “ giáng” một đòn mạnh đối với hi vọng của Mỹ cho rằng thỏa thuận sẽ dẫn đến việc cải thiện quan hệ song phương, qua đó tăng cường hợp tác trong cuộc chiến chống lại những phần tử Hồi giáo cực đoan.
Ngoại trưởng Iran trước đó cũng nhận định, một thỏa thuận tốt sẽ mở ra cánh cửa để phối hợp những nỗ lực chung trên mặt trận chống khủng bố. Tuy nhiên, triển vọng để Mỹ và Iran xích lại gần nhau vẫn rất xa, thậm chí khi các cuộc đàm phán hôm nay thành công. Việc các bên lỡ hạn chót hôm mùng 7/7 vừa qua đã đặt thỏa thuận, nếu đạt được hôm nay, trước những rủi ro mới khi Quốc hội Mỹ dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng hòa sẽ có 60 ngày thay vì 30 ngày để duyệt lại thỏa thuận./.