Tuyên bố này được Tổng thống Trump đưa ra trong một cuộc trả lời phỏng vấn Hãng tinReuters. Đây cũng là tuyên bố đầu tiên của ông Trump về kho vũ khí hạt nhân của Mỹ kể từ khi nhậm chức ngày 20/1 vừa qua.

trump_dtax.jpg
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP

Tổng thống Mỹ Trump cho biết, ông muốn thấy một thế giới không vũ khí hạt nhân, song bày tỏ quan ngại trước việc Mỹ bị tụt hậu về năng lực hạt nhân.

Theo tổ chức phản đối vũ khí hạt nhân có tên Quỹ lưỡi cày (Ploughshares Fund), Mỹ hiện có 6.970 đầu đạn hạt nhân, trong khi Nga có 7.300 đầu đạn. Cũng trong cuộc phỏng vấn, ông Trump gọi Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (START mới) là thỏa thuận “một phía”.

“Sẽ rất tuyệt vời khi chúng ta có một thế giới không hạt nhân, nhưng nếu các nước đều có vũ khí hạt nhân thì Mỹ cần phải đi đầu. Việc cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược là một vấn đề lớn.

Nếu có cuộc gặp trực tiếp với Tổng thống Nga Putin, tôi sẽ đưa vấn đề này ra. Đây là thỏa thuận một phía giống như nhiều thỏa thuận khác mà Mỹ đã làm. Nó cho họ những thứ mà lẽ ra chúng ta không bao giờ cho phép”, ông Trump nói.

Trước đó, trong cuộc điện đàm đầu tiên trên cương vị Tổng thống Mỹ với người đồng cấp Nga Vladimir Putin ngày 28/1 vừa qua, ông Trump tuyên bố Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới là một thỏa thuận tồi đối với Mỹ và có lợi cho phía Nga.

Theo giới chức và một cựu quan chức Mỹ, khi Tổng thống Putin nêu ra khả năng gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) được hai nước ký tại Praha, Séc vào năm 2010, Tổng thống Trump đã ngừng lại để hỏi các trợ lý rằng đây là hiệp ước gì.

Sau đó, ông Trump nói với Tổng thống Putin rằng hiệp ước này là một trong những thỏa thuận tồi tệ được đàm phán dưới thời chính quyền Barack Obama. Ông Trump cho rằng, Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới có lợi cho phía Nga.

Trong quá trình vận động tranh cử, ông Trump từng trích thỏa thuận này vì cho rằng nó cho phép Nga tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân, còn Mỹ thì không.

Theo Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới, Nga và Mỹ sẽ phải giảm số đầu đạn hạt nhân chiến lược của mỗi nước xuống dưới 1.550 trước tháng 2/2018 - mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua.

Ngoài ra, Hiệp ước này cũng hạn chế việc 2 nước điều động các tên lửa trên mặt đất và ở các tàu ngầm cũng như các máy bay ném bom hạt nhân trong trường hợp xảy ra căng thẳng về quân sự. Hiệp ước này được Thượng viện Mỹ thông qua hồi tháng 12/2010 với số phiếu áp đảo là 71/26. Tất cả các nghị sĩ Đảng Dân chủ cùng với 13 nghị sĩ Đảng Cộng hòa đã bỏ phiếu ủng hộ Hiệp ước này.

Trong khi đó, đa số các nghị sĩ khác của Đảng Cộng hòa chỉ trích Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới, cho rằng, nó thể hiện sự “ngây thơ” của Chính phủ Mỹ.

Khi ký kết Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới, Chính phủ Mỹ và Nga đã thống nhất rằng, Hiệp ước này có thể được kéo dài thêm 5 năm, tức là đến tận năm 2021.

Nếu không kéo dài Hiệp ước này như đã thống nhất hoặc không chấp nhận đàm phán tiếp về Hiệp ước này khi nó hết hiệu lực, cả Mỹ và Nga- 2 quốc gia có tiềm lực hạt nhân lớn nhất thế giới sẽ không còn bị ràng buộc gì với Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới nữa. Điều này dẫn đến nguy cơ xảy ra một cuộc chạy đua vũ trang mới trên phạm vi toàn cầu./.