Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn thường cho thấy ông không có nhiều kiên nhẫn đối với những người có quan điểm đối nghịch nhưng dường như ông đã muốn thử thách nhược điểm này qua sự lựa chọn trung tướng H.R. McMaster, 54 tuổi, một chiến lược gia quân sự, làm cố vấn an ninh quốc gia mới thay thế ông Michael Flynn.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lựa chọn trung tướng H.R. McMaster làm cố vấn an ninh quốc gia mới. Nguồn video: White House

McMaster gia nhập đội ngũ ở Nhà Trắng với quan điểm về Nga, về cuộc chiến chống khủng bố, tăng cường quân sự và các vấn đề an ninh cốt lõi tương đối khác với quan điểm của những người trung thành với Tổng thống Mỹ cũng như những gì ông Trump từng thể hiện.

McMaster được đánh giá rất cao khi dành cả sự nghiệp trong lực lượng vũ trang Mỹ và từng có khoảng thời gian phục vụ ở Iraq, Afghanistan. Ông hiện là giám đốc Trung tâm Tích hợp Năng lực trực thuộc quân đội, một cơ quan có nhiệm vụ vận dụng “năng lực tác chiến vào lực lượng” và với các cơ quan chính phủ khác.

Ông McMaster được mô tả là một chiến lược gia quân sự với những ý tưởng được định hình bởi kinh nghiệm chứ không phải bằng cảm xúc, bằng thực tế chiến trường nhiều hơn ý đồ chính trị.

Tuy nhiên, McMaster sẽ không đơn độc. Đồng minh chính trị nổi bật của ông có thể kể đến bao gồm: Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis; Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, tướng Joseph Dunford và Thượng nghị sĩ John McCain, chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện cùng với rất nhiều người lính từng chiến đấu bên cạnh hoặc dưới quyền ông trong nhiều năm qua.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer hôm 21/2 cho biết, Tổng thống Trump đã nói với McMaster rằng, “ông ấy có đủ thẩm quyền để tiến hành cơ cấu ngũ an ninh quốc gia theo cách ông muốn”.

Mặc dù vậy, trong một động thái được cho là “bất thường”, ông Trump đã đưa Steve Bannon, trưởng nhóm cố vấn chiến lược của Tổng thống, người mang tư tưởng cánh hữu vào Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà Trắng. Điều này được cho là sẽ gây không ít cản trở đối với công việc của McMaster.

Nhận định về những bước đi xây dựng bộ máy chính quyền của ông Trump, Andrew Exum, một cựu sĩ quan quân đội và quan chức nghiên cứu chính sách về Trung Đông của Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng, nguy cơ tiềm ẩn về những tranh cãi trong chính sách của Trump phần nào đó có lỗi của Steve Bannon khi tư vấn đưa những nhân vật không phù hợp vào bộ máy lãnh đạo đất nước.

Bài toán khó giải với chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan

Một trong những thách thức đầu tiên mà ông McMaster phải đối mặt để khẳng định tầm ảnh hưởng của mình đó là xem xét chính sách của Mỹ ở Syria và rộng hơn là cuộc chiến chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.

Cuối tháng 6/2016, Bannon từng tuyên bố rằng, Mỹ và các đồng minh ở châu Âu đang tham gia cuộc chiến mang tính “sống còn toàn cầu” chống lại Hồi giáo.

mcmaster_ambp.jpg
Trung tướng H.R. McMaster. (Ảnh: Reuters)

Năm 2003, McMaster tham gia cuộc chiến tranh Iraq. Ông được ca ngợi vì có công chỉ huy các binh sĩ Mỹ bảo vệ an toàn thành phố Tal Afar trước những cuộc tấn công từ quân nổi dậy.

McMaster đóng vai trò then chốt trong việc phát triển học thuyết chống nổi dậy của quân đội dưới thời tướng David Petraeus. McMaster giữ vị trí trợ lý đặc biệt cho tướng Petraeus trong quãng thời gian ông này chỉ huy các lực lượng Mỹ ở Iraq từ năm 2007 đến 2008.

Năm 2010, McMaster tiếp tục tới chiến trường Afghanistan, nhận nhiệm vụ giám sát các kế hoạch quân sự và chống tham nhũng.

Có lẽ chính vì kinh nghiệm thực tế nên McMaster yêu cầu lính của mình không bao giờ gọi những người Iraq là “hajjis” – tiếng lóng mà nhiều người Mỹ thường sử dụng để xúc phạm những người hành hương Hồi giáo Mecca.

Trên tạp chí Phê bình Quân sự, ông McMaster từng cảnh báo hành động tăng cường lực lượng như ông Trump đã làm như cam kết đó là đánh bom để “thổi bay” phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng có thể phản tác dụng.

“Tại Iraq, sự thiếu hiểu biết về các cộng đồng dân cư, dân tộc thiểu số và những động cơ tôn giáo của các cuộc xung đột... đôi khi dẫn đến các hành động quân sự (chẳng hạn như các cuộc tấn công chống lại các mạng lưới bị tình nghi là đối địch). Những cuộc giao tranh này sẽ khiến nỗi sợ và cảm giác bị xúc phạm danh dự của người dân trở nên trầm trọng hơn, dẫn đến việc các lực lượng nổi dậy được tiếp thêm sức mạnh”, ông McMaster viết.

McMaster hoàn toàn có lý khi thận trọng trong việc sử dụng vũ lực bởi ông từng chứng kiến 21 binh sỹ Mỹ thiệt mạng trong trận đánh ở Tal Afar, Iraq và một đơn vị phải chịu thương vong tới 40% trong trận chiến này.

Phép thử mang tên Nga

Phép thử thứ hai của ông McMaster là chính sách liên quan đến Nga. Không giống như người tiền nhiệm Michael Flynn và Tổng thống Trump, ông McMaster xem Moscow là đối thủ chứ không phải đối tác tiềm năng.

Hồi tháng 5/2016, trong một phát biểu tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS), ông McMaster từng chỉ ra rằng việc Nga sáp nhập Crimea và hậu thuẫn lực lượng đối lập ở miền Đông Ukraine là bằng chứng của nỗ lực “làm sụp đổ trật tự thế giới hậu Thế chiến II, hậu Chiến tranh Lạnh, phá vỡ ổn định, an ninh, kinh tế và chính trị ở châu Âu và mục đích cuối cùng là đem lại nhiều lợi ích hơn cho Nga”.

Theo website cung cấp thông tin về các hoạt động trong chiến dịch tranh cử của ông Trump, ông đã hứa hẹn bổ sung “hàng chục nghìn binh sỹ, mở rộng đội tàu Hải quân từ 282 chiếc lên 350 và cung cấp cho Không quân 1.200 máy bay chiến đấu”.

Ông McMaster dường như có quan điểm hoàn toàn khác khi từng có bài viết trên tạp chí Phê bình Quân sự cho rằng: “Việc hứa hẹn chiến thắng chỉ dựa trên những thông tin tình báo tốt hơn và khả năng tấn công chính xác hơn” là sự ngụy biện cho việc “nhầm lẫn trong việc vạch ra chiến lược để tiêu diệt các tổ chức của đối phương”.

Theo đánh giá của các chuyên gia, vấn đề đặt ra là liệu ông McMaster có đủ nguồn lực để thay đổi chính sách mà Tổng thống Mỹ và những trợ lý thân cận nhất của ông ta đã vạch ra hay không.

“Tôi nghĩ thách thức thật sự mà ông ấy sắp đối mặt không phải là chiến lược hay trách nhiệm toàn cầu của cường quốc duy nhất trên thế giới. Ông ấy biết phải làm thế nào với chúng.

Thách thức thật sự của ông McMaster chính là vấn đề đạo đức khi phải đối phó với một chính quyền không mấy khi rõ ràng trong việc ủng hộ các giá trị Mỹ”, ông John Nagl, một Đại tá về hưu, người giúp viết lại học thuyết chống nổi dậy của Mỹ đối với các cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan nhận định./.