Chính quyền Tổng thống Biden chỉ trích việc quân đội Myanmar tiếp quản quyền lực từ chính phủ dân sự và bắt giữ các lãnh đạo cấp cao của nước này cùng Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi. Ông Biden gọi đây là “cuộc tấn công trực tiếp vào quá trình chuyển giao dân chủ và quy tắc pháp luật”.

Cuộc khủng hoảng ở Myanmar đánh dấu phép thử quan trọng đầu tiên đối với cam kết của Tổng thống Biden về việc hợp tác chặt chẽ hơn với các đồng minh trong các thách thức quốc tế. Lập trường của ông trái ngược với cách tiếp cận “Nước Mỹ trước tiên” của cựu Tổng thống Donald Trump.

“Cộng đồng quốc tế cần phải cùng nhau thống nhất tiếng nói để gây sức ép buộc quân đội Myanmar ngay lập tức từ bỏ quyền lực, thả các quan chức và các nhà hoạt động mà họ đã bắt giữ. Mỹ đã dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Myanmar trong thập kỷ qua vì những tiến bộ hướng tới dân chủ. Việc đảo ngược tiến trình này sẽ khiến Mỹ phải xem xét lại các biện pháp trừng phạt và các hành động phù hợp”, ông Biden nói trong một tuyên bố.

“Chúng tôi sẽ làm việc với các đối tác trong khu vực cũng như trên thế giới để ủng hộ việc khôi phục nền dân chủ và quy tắc pháp luật, đồng thời buộc những người đảo ngược quá trình chuyển giao dân chủ ở Myanmar phải chịu trách nhiệm”, ông Biden nhấn mạnh thêm.

Tổng thống Mỹ Biden cũng kêu gọi quân đội Myanmar dỡ bỏ tất cả những hạn chế về viễn thông liên lạc, kiềm chế bạo lực đối với dân thường.

Chính quyền Tổng thống Barack Obama bắt đầu nới lỏng trừng phạt đối với Myanmar năm 2011 sau khi quân đội bắt đầu “buông lỏng” quyền lực, và đến năm 2016 dỡ bỏ các hạn chế còn lại đối với quốc gia Đông Nam Á này. Năm 2019, chính quyền Tổng thống Donald Trump áp đặt một số biện pháp trừng phạt đối với 4 tư lệnh quân đội Myanmar, trong đó có Tướng Min Aung Hlain./.