Lãnh đạo biểu tình Suthep Thaugsuban đã thể hiện rõ quyết tâm lật đổ Chính phủ của Thủ tướng tạm quyền Yingluck nhằm ngăn chặn cuộc bầu cử Hạ viện.
Ông Suthep cũng khẳng định phải giành chiến thắng mới chấm dứt được biểu tình; ban lãnh đạo biểu tình không chấp nhận hai bên "cùng thắng"; không cần người trung gian hòa giải, không đàm phán với Chính phủ; thậm chí không chấp nhận đề nghị tạm hoãn bầu cử Hạ viện.
Người biểu tình bao vây trụ sở Cảnh sát Thái Lan tại Bangkok (Ảnh Reuters) |
Cuộc đại biểu tình "đóng cửa Bangkok" trong ngày đầu tiên đã diễn ra tương đối ôn hòa với số lượng người tham gia ban ngày không đông như dự kiến, chỉ vào khoảng 30.000 người, tập trung tại 7 địa điểm biểu tình chính và một số địa điểm phụ mới thiết lập, chủ yếu là ở trung tâm thủ đô Bangkok.
Số lượng người tham gia biểu tình ngày 13/1 không đông tới mức hàng trăm nghìn người như dự kiến, nhất là vào ban ngày.
Một nguyên nhân quan trọng khiến lượng người biểu tình tham gia không thực sự đông đảo là vì, đa số người dân Bangkok đã bắt đầu nhận thấy cuộc biểu tình "đóng cửa Bangkok" này đang làm thiệt hại tới lợi ích của chính họ và cuộc biểu tình đã mất dần sức thu hút người tham gia khi mục tiêu biểu tình đã vượt quá xa so với mục tiêu ban đầu.
Tuy nhiên, cuộc đại biểu tình này có những diễn biến cho thấy nó có nguy cơ gây bất ổn nghiêm trọng.
Cuộc biểu tình đã làm đảo lộn nếp sinh hoạt và làm việc thường ngày của người dân Bangkok cũng như cản trở sự hoạt động bình thường của bộ máy Chính phủ.
Theo đánh giá của Trung tâm chỉ huy bảo vệ an ninh trật tự Thái Lan, cuộc đại biểu tình này có thể kéo dài khoảng 5 ngày, song trên thực tế nó có thể sẽ kéo dài hơn.
Biểu tình làm cho giao thông bị tắc nghẽn toàn bộ hoặc một phần ở nhiều tuyến đường chính của thủ đô Bangkok. Một số địa điểm biểu tình có nguy cơ cao xảy ra đụng độ bạo lực, như khu vực Trung tâm hành chính quốc gia và Quảng trường chiến thắng.
Đồng thời, người biểu tình đã bao vây một số công sở như: Cơ quan Cảnh Sát quốc gia, Cục Quan hệ Công chúng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cục Thuế Thu nhập, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Lao động; người biểu tình còn yêu cầu công chức ở các công sở nghỉ việc.
Nhiều bộ, ngành của Chính phủ tạm quyền Thái Lan phải đóng cửa trụ sở, chuyển sang làm việc ở địa điểm dự phòng. Ủy ban bầu cử Thái Lan cũng phải chuyển sang làm việc ở tỉnh Chonburi thuộc ngoại vi Bangkok.
Khoảng 150 trường học và hàng chục trường đại học ở Bangkok phải nghỉ dạy và học do bị ảnh hưởng của biểu tình.
Bước sang ngày hôm nay (14/1), người biểu tình dự định sẽ gia tăng hoạt động chặn đường giao thông, bao vây các công sở với những hành vi quyết liệt hơn nhằm tăng cường gây sức ép đối với phe Chính phủ.
Thủ tướng Yingluck và Nội các tạm quyền Thái Lan đã có mặt ở Thủ đô Bangkok để theo dõi, chỉ đạo việc kiểm soát biểu tình. Lãnh đạo Chính phủ khẳng định không sử dụng vũ lực và không để xảy ra tình trạng đụng độ bạo lực như cuộc đàn áp biểu tình năm 2010; song Chính phủ cũng lo ngại có "lực lượng thứ 3" gây rối để kích động bạo lực.
Trong khi đó, cảnh sát và quan chức các bộ, ngành hữu quan của Thái Lan đã có nhiều cố gắng bảo vệ an ninh, trật tự chung, đảm bảo giao thông đi lại cho người dân Bangkok; đồng thời kiên trì sách lược mềm dẻo trong kiểm soát biểu tình.
Cảnh sát cũng đã phối hợp tốt với lực lượng Quân đội trong việc bảo vệ các công sở quan trọng và bảo vệ an ninh ở các địa điểm biểu tình.
Thủ tướng tạm quyền Yingluck đã thể hiện thiện chí muốn giải quyết hòa bình các mâu thuẫn chính trị nhằm giúp Thái Lan thoát khỏi khủng hoảng. Tuy nhiên, ban lãnh đạo biểu tình do ông Suthep đứng đầu vẫn đang tỏ ra rất cứng rắn, họ chỉ một mực đòi Thủ tướng Yingluck và Chính phủ tạm quyền phải từ chức; đồng thời bác bỏ mọi đề nghị làm trung gian hòa giải.
Do đó, vào thời điểm hiện nay, Quân đội hay bất kỳ tổ chức nào muốn đứng ra làm trung gian hòa giải, cũng khó có thể thuyết phục được ban lãnh đạo biểu tình cùng ngồi vào bàn thương lượng với đại diện phe Chính phủ.
Có thể khẳng định rằng tình hình chính trị Thái Lan trong những ngày tới sẽ diễn biến rất phức tạp. Phe Chính phủ sẽ lâm vào tình trạng "cây muốn lặng, nhưng gió chẳng muốn đừng" và Chính phủ của Thủ tướng tạm quyền Yingluck sẽ phải đối phó với nhiều nguy cơ như biểu tình có thể gây ra bạo lực dẫn tới nguy cơ đảo chính./.