TheoReuters, những người biểu tình chống chính phủ Thái Lan ngày 13/1 nói rằng họ sẽ thắt chặt hơn nữa việc bao vây trụ sở các Bộ của nước này.

Rất nhiều cơ quan của các Bộ và Ngân hàng Trung ương Thái Lan đã buộc phải làm việc tại các trụ sở tạm thời sau khi những người biểu tình do cựu Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban dẫn đầu ngăn chặn những nhân viên chính phủ đến trụ sở chính để làm việc.

Người biểu tình Thái Lan tại trung tâm thủ đô Bangkok sáng 14/1 (Ảnh Reuters)

“Chúng ta phải bao vây và đóng cửa các tòa nhà Chính phủ vào sáng 14/1 và rút đi vào chiều cùng ngày”, ông Suthep tuyên bố với những người biểu tình vào đêm ngày 13/1 và thúc giục họ làm như vậy mỗi ngày cho đến khi Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra buộc phải từ chức.

Một nhóm sinh viên đứng đầu là Nitithorn Lamlua liên minh với Ủy ban Cải cách dân chủ nhân dân (PDRC) của ông Suthep đã đe dọa tấn công vào trụ sở Thị trường chứng khoán Thái Lan vì cho rằng nó tượng trưng cho “một chế độ tư bản bạo tàn đã mở đường cho ông Thaksin trở thành tỷ phú”.

Tuy nhiên, lực lượng an ninh đặc biệt của Thái Lan vẫn không hiện diện tại trụ sở Thị trường chứng khoán vào sáng ngày 13/1. Một nhóm người biểu tình đã tuần hành qua trụ sở Thị trường chứng khoán nhưng cũng không dừng lại tại đây.

Jarumporn Chotikasathien, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Thái Lan cho biết Ủy ban này đã chuẩn bị các biện pháp bảo đảm an toàn cho tòa nhà cũng như hệ thống giao dịch tại đây.

Giao thông tại Bangkok sáng 14/1 vẫn thông thoáng ngay cả khi 7 tuyến phố chính đã bị bởi người biểu tình chặn hôm 13/1.

Rất nhiều trường học cũng bị đóng cửa trong ngày thứ 2 liên tiếp. Nhiều văn phòng cũng phải đóng cửa và nhiều nhân viên đã không đến nơi làm việc.

Chính phủ đã điều động 10.000 cảnh sát để thiết lập lại trật tự và 8.000 binh sỹ quân đội canh gác tại các cơ quan Chính phủ, tuy nhiên họ hầu như không xuất hiện trên nhiều tuyến phố trong ngày 13/1.

Thủ tướng tạm quyền Yingluck ngày 13/1 đã làm việc tại một trụ sở của Bộ Quốc phòng tại ngoại ô thủ đô Bangkok. Các quan chức Thái Lan cho biết cuộc họp Nội các thường kỳ ngày 14/1 đã bị hủy.

Bà Yingluck đã kêu gọi lãnh đạo người biểu tình và các đảng phái chính trị tại Thái Lan tham dự một cuộc họp ngày 15/1 để thảo luận về đề xuất của Ủy ban Bầu cử Thái Lan nhằm hoãn cuộc bầu cử tại nước này đến tháng 5 tới.

Tuy nhiên, ông Suthep đã tuyên bố rằng ông không quan tâm đến bất kỳ một cuộc bầu cử nào. Thay vì thế, ông muốn Chính phủ phải bị thay thế bằng một “Hội đồng Nhân dân” không qua bầu cử./.