Theo Reuters, vụ việc này làm dấy lên nguy cơ bạo lực sẽ tiếp diễn khi người biểu tình dự định sẽ bao vây thủ đô Bangkok trong tuần tới nhằm gây áp lực buộc Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra phải từ chức.

“Hai vụ nổ súng xảy ra vào sáng sớm tại một ngã tư gần đường Khao San. Có 7 người đã bị thương và hầu hết trong số này là những người biểu tình chống Chính phủ. Chúng tôi vẫn đang điều tra xem những người đã nổ súng là ai”, Giám đốc Cảnh sát Quốc gia Thái Lan Adul Saengsingkaew cho biết.

Người biểu tình lập hàng rào bằng bao cát và lốp cao su bên ngoài Toà nhà Chính phủ tại Bangkok (Ảnh Reuters)

Theo Trung tâm y tế Erawan chịu trách nhiệm giám sát các bệnh viện tại Bangkok, một người biểu tình bị thương vẫn đang trong tình trạng nguy kịch.

Vụ nổ súng diễn ra sau khi các cuộc đụng độ giữa những người ủng hộ và phản đối Chính phủ ở bên ngoài thủ đông Bangkok ngày 10/1 khiến ít nhất 6 người bị thương.

Trong khi đó, tại lễ kỷ niệm ngày Quốc gia về Trẻ em 11/1, Tư lệnh Quân đội Thái Lan Prayuth Chan-ocha, bày tỏ lo ngại rằng bạo lực có thể tiếp tục leo thang trong tuần tới.

“Tôi rất lo lắng về tình hình an ninh bởi sẽ có rất nhiều người tham gia biểu tình. Chúng ta có thể suy nghĩ khác nhau nhưng chúng ta không thể giết hại lẫn nhau. Vì thế xin đừng sử dụng vũ lực”, ông Prayuth nói.

Rất nhiều người Thái Lan tin rằng quân đội nước này sẽ sớm thực hiện các bước đi quan trọng nhằm phá vỡ tình trạng bế tắc chính trị hiện nay đặc biệt là nếu những người biểu tình có những hành vi bạo lực.

Quân đội Thái Lan đã tiến hành 18 cuộc đảo chính trong vòng 81 năm qua, nhưng lần này họ sẽ cố gắng đóng vai trò trung lập.

Các quan chức Thái Lan cho biết Chính quyền sẽ điều hơn 14.000 binh sỹ và cảnh sát đến các con đường tại thủ đô Bangkok ngày 13/11 để giữ gìn trật tự tại đây.

Những người biểu tình do cựu Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban lãnh đạo đang hướng tới việc làm tê liệt thủ đô Bangkok trong vòng 15-20 ngày. Họ dự định sẽ chặn 7 tuyến đường lớn, gây tắc nghẽn bên trong thành phố bằng các phương tiện giao thông cá nhân và bao vây nhiều khu vực khác xung quanh thủ đô.

Chính phủ Thái Lan đã liên tục từ chối kêu gọi quân đội can thiệp vào các cuộc biểu tình tuy nhiên, các quan chức nước này ngày 10/1 cho biết Chính phủ Thái Lan đã có những phương án đối phó với một cuộc đảo chính nếu nó diễn ra.

“Tôi không nghĩ rằng một cuộc đảo chính sẽ diễn ra và tôi tin rằng quân đội và cảnh sát sẽ đảm bảo an ninh trong ngày 11/1”, Ngoại trưởng Thái Lan Surapong Tovichakchaikul tuyên bố với báo chí quốc tế ngày 10/1.

Trong một cuộc họp báo tại New York ngày 10/1, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon thúc giục các bên tại Thái Lan thể hiện thiện chí trong bối cảnh các cuộc biểu tình tại nước này có dấu hiệu gia tăng về mức độ.

“Tôi rất lo lắng và tình trạng tại Thái Lan trong những ngày tới, đặc biệt là ngày 11/1 khi những người biểu tình tuyên bố họ sẽ vây chặt thủ đô Bangkok”, ông Ban nói.

“Tôi kêu gọi các bên kiềm chế, tránh mọi hành động khiêu khích và cố gắng giải quyết các bất đồng bằng con đường hoà bình, thông qua đàm phán”, ông Ban nhấn mạnh./.