Theo các quan chức của Ủy ban châu Âu, tại cuộc họp cấp cao với OPEC, EU đã lặp lại lời kêu gọi Tổ chức này tăng sản lượng để giúp hạ nhiệt giá dầu và OPEC nên có trách nhiệm đảm bảo thị trường dầu cân bằng.
Tuy nhiên, Tổng Thư ký Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) Mohammad Barkindo ngày 11/4 khẳng định, thay thế nguồn dầu thô Nga bị loại khỏi thị trường từ một lệnh cấm vận tiềm tàng của Liên minh châu Âu (EU) là điều “gần như không thể”.
Quan chức OPEC nhấn mạnh, thế giới có thể sẽ phải chấp nhận thực tế có khoảng 7 triệu thùng dầu và khí ngưng tụ của Nga bị loại khỏi thị trường xuất khẩu, do hệ quả của các lệnh trừng phạt hiện thời và trong tương lai, hoặc là hành động tự nguyện từ bỏ dầu thô của Nga. Xét trong bối cảnh triển vọng nguồn cầu ở thời điểm hiện tại, việc thay thế nguồn cung với khối lượng lớn như vậy là điều không thể.
Như nhiều nước nhập khẩu dầu từng đưa ra đề nghị trước đây, EU bày tỏ mong muốn OPEC tăng sản lượng khai thác. OPEC và các đối tác (OPEC+) cho đến thời điểm này vẫn nhất quyết theo đuổi kế hoạch tăng nguồn cung khiêm tốn, với mức 400.000 thùng/ngày.
Chuyên gia kinh tế Victoria Ejugwu cho biết: “Làm thế nào để thay thế nguồn dầu Nga cung cấp là một câu hỏi khó khi các nước OPEC vẫn đang vật lộn để sản xuất và xuất khẩu. Hai nước có tiềm năng nhất trong OPEC là UAE và Saudi Arabia đã nhiều lần tuyên bố không có nguồn cung tăng thêm ra thị trường. Ngoài ra khối này cũng cho rằng, điểm nghẽn trên thị trường dầu mỏ hiện nay mang yếu tố địa chính trị, không phải là những vấn đề căn bản và vì thế vượt khỏi tầm kiểm soát của tổ chức này”.
Hiện EU vẫn chưa quyết định cấm vận dầu thô, khí đốt nhập khẩu của Nga. Nhưng cáo buộc “sát hại dân thường” mà Ukraine đưa ra sau “sự cố Bucha” – điều mà Moscow luôn kịch liệt bác bỏ, làm tăng tiếng nói ủng hộ trong nhiều nước EU đòi siết trừng phạt dầu thô của Nga.
Tuy nhiên, trên thực tế, xuất khẩu dầu thô của Nga trong tuần đầu tháng 4 này phục hồi trở lại, với giá trị đạt mức cao nhất kể từ đầu năm nay nhờ hưởng lợi từ đà tăng giá của dầu thô trên thị trường thế giới. Nga kỳ vọng lượng ngoại tệ thu được từ xuất khẩu dầu mỏ, khí đốt sẽ tăng thêm 9,4 tỉ USD trong tháng 4 so với tháng 3.
Nhiều chuyên gia kinh tế còn dự báo giá dầu còn có thể tiếp tục tăng cao, vượt 200 USD/thùng vào cuối năm 2022. Theo Nhà quản lý một quỹ đầu cơ nổi tiếng trị giá tới 1 tỉ USD Pierre Andurand, giá dầu còn tăng cao trong bối cảnh OPEC và OPEC+ và ngành dầu đá phiến của Mỹ gặp khó khăn.
Doug King - Chủ tịch của Tập đoàn đa quốc gia RCMA Group, có trụ sở tại Singapore dự báo sẽ có một cú sốc về nguồn cung dầu thô trong năm nay nếu các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga không được gỡ bỏ./.