Trước thềm hội nghị, nhiều tiếng nói khẩn thiết và lời kêu gọi đã được đưa ra nhằm yêu cầu các nước giàu, các nước phát triển nhanh chóng đưa ra các cam kết và hành động để bảo vệ môi trường.

Theo đại đa số ý kiến của giới chuyên gia và học giả thế giới, các nước giàu, các nước phát triển là những quốc gia phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính nhiều nhất thế giới. Tuy nhiên, các nước này lại chính là những bên cam kết ít nhất, hành động ít nhất. Trong khi các nước nghèo, các quốc gia nhỏ như quốc đảo Samoa là các quốc gia phát thải ít nhất song lại đang phải hứng chịu tác động của biến đổi khí hậu mà các nước giàu gây ra. Nhấn mạnh tầm quan trọng của hành động bảo vệ môi trường, Đại sứ Anh tại Liên Hợp Quốc Barbara Woodward kêu gọi các nước giàu nhanh chóng hành động.

“Chúng ta đang ở thời diểm không thể quay trở lại. Những nước phát thải không thể tiếp tục phớt lờ lời kêu gọi thêm nữa. Chúng ta đang đối mặt với khoảng cách giữa những cam kết chúng ta đưa ra và hành động thực thi các cam kết”.

Cùng quan điểm với phía Anh, Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc hôm qua (28/10) cũng đã công bố một báo cáo mang tên Trạng thái tham vọng khí hậu thế giới. Trong đó nêu bật một thực tế hiện nay, đó là việc  93% các nước ít phát triển nhất lại là những quốc gia đã công bố các cam kết cùng kế hoạch bảo vệ môi trường trong khi gần một nửa quốc gia Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi gọi tắt là G20 lại chưa bám sát các nguyên tắc cốt lõi của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu nhằm đẩy nhanh các cam kết khí hậu của các nước này, trong đó có mức đóng góp về tài chính cho hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu.

Trong tuyên bố cùng ngày, Đặc phái viên Mỹ về khí hậu John Kerry cũng đã nhấn mạnh rằng thế giới đến nay vẫn chưa song hành đầy đủ với những gì khoa học nói cần phải làm để tránh những hệ quả tồi tệ của khủng hoảng khí hậu. Theo ông Kerry, trong bối cảnh hiện nay, thế giới càng cần phải hợp tác chặt chẽ với nhau để thu hẹp khoảng cách, đặc biệt là vai trò và trách nhiệm của G20, những quốc gia chịu trách nhiệm phát thải 80% lượng phát thải của thế giới.

Công nhận thực tế rằng tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn biến nghiêm trọng, Đại sứ Samoa Fatumanava-o-Upolu III Pa’olelei Luteru đã kêu gọi duy trì mức tăng nhiệt 1,5 độ C đã được cam kết trong Thỏa thuận Paris 2015, cho rằng đây là lằn ranh giới đỏ mà thế giới không thể bước qua nhằm bảo vệ cuộc sống của hàng triệu người tại các quốc gia bị tổn thương do biến đổi khí hậu trong đó có Samoa.

Gây sự chú ý trước thềm hội nghị COP-26, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen hôm qua đã bất ngờ công bố một danh sách các biện pháp ứng phó biến đổi khí hậu do khối này khởi xướng. Theo đó, các nước ký cam kết bao gồm cả Mỹ và EU cùng một số nước khác sẽ cắt giảm mạnh 30% lượng khí methane gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 so với mức cam kết của năm 2020. Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu, thế giới đang đứng trước thời khắc của sự thật và cần có hành động khẩn thiết để bảo vệ môi trường hơn bao giờ hết.

“Đây là khoảnh khắc của sự thật. Khoa học đã nói rõ với chúng ta rằng chúng ta không ở đúng vị trí trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Vì vậy, chúng ta cần phải hành động nhiều hơn nữa. Thông điệp ở đây không phải là 30 hay 40 năm nữa mà là hành động ngay từ bây giờ. Chúng ta cần hành động khẩn trương ngay từ thập kỷ này nếu không muốn đổi mặt với điểm bước ngoặt không thể đảo ngược.”

Dự kiến, Hội nghị thượng đỉnh COP26 sẽ diễn ra từ ngày 31/10-12/11 tại Glasgow, Anh. Đây là hội nghị thượng đỉnh về khí hậu lớn nhất kể từ hội nghị lịch sử ở Paris năm 2015 và được kỳ vọng sẽ tạo bước tiến quan trọng trong việc đặt ra các mục tiêu về khí thải trên toàn thế giới nhằm làm chậm lại quá trình Trái Đất ấm lên./.