Báo cáo mới được công bố của Ngân hàng Thế giới cho biết những người bị ảnh hưởng bao gồm nông dân ở các khu vực bị hạn hán hoặc những người phải rời nhà cửa để đi tìm nguồn nước sạch. Năm quốc gia ở Đông Phi bao gồm Kenya, Rwanda, Tanzania, Uganda và Burundi đã liên tục chứng kiến các sự kiện thời tiết cực đoan trong những năm gần đây. Ngoài tình trạng hạn hán đang ngày càng xấu đi, khu vực Đông Phi còn phải đối mặt với lũ lụt thường xuyên trong năm 2020 cùng với nạn châu chấu hoành hành.

Ông Hafez Ghanem - Phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách Đông Phi cho biết nếu không có hành động khẩn cấp, hơn 38 triệu người có thể phải rời nhà cửa do hậu quả của biến đổi khí hậu vào năm 2050.

Các biện pháp cụ thể nhằm giảm phát thải gây hiệu ứng nhà kính và tài trợ các kế hoạch ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu có thể giúp giảm số người bị ảnh hưởng, tuy nhiên chỉ ở mức 30%.

Ngân hàng Thế giới đã cam kết đảm bảo 35% kinh phí tài trợ của mình trong vòng 5 năm tới sẽ dành cho các dự án giúp ứng phó với mối đe dọa của biến đổi khí hậu.

Các nước giàu có trong năm 2019 đã hứa sẽ hỗ trợ 100 tỷ USD giúp các nước nghèo ứng phó với ảnh hưởng của hiện tượng ấm lên toàn cầu. Tuy nhiên, khoản ngân sách này dự kiến sẽ bị trì hoãn trong 3 năm./.