Tiến trình hòa bình Trung Đông tiếp tục rơi vào bế tắc và căng thẳng giữa các bên liên quan có nguy cơ bùng phát khi cả Israel và Palestine đều có những động thái cho thấy họ đã không còn mặn mà với các cuộc đàm phán hòa bình.

Trong lúc Israel tiếp tục thúc đẩy kế hoạch xây dựng các khu định cư mới tại các vùng lãnh thổ chiếm đóng của người Palestine, ngày 1/10, phía Palestine đã trình một dự thảo nghị quyết lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc kêu gọi chấm dứt hành động chiếm đóng này của Israel trước năm 2016.   

n_israel_settlement_large570_phif.jpgMột khu định cư mới đang xây dựng của Israel (Ảnh AP)

Dự thảo nghị quyết kêu gọi xóa bỏ toàn bộ các khu định cư của Israel tại tất cả các vùng lãnh thổ chiếm đóng của Palestine từ năm 1967, bao gồm cả Đông Jerusalem, càng sớm càng tốt và hoàn thành việc này trước thời hạn tháng 11/2016. Bản dự thảo nghị quyết đã chính thức được lưu hành tới toàn bộ 15 thành viên của Hội đồng Bảo an.

Phát biểu tại Ramallah, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas cho biết nói: “Chúng tôi đã trình một dự thảo nghị quyết lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Hội đồng đã bắt đầu thảo luận cách đây vài ngày và sẽ tiếp tục thảo luận trong vòng 3 tuần tới, hoặc lâu hơn, cho tới khi chúng tôi nhận được câu trả lời”.

Tổng thống Abbas trước đó cũng đã bày tỏ không hài lòng với Israel và Mỹ trong bài phát biểu của ông trước Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc vào tuần trước. Ông Abbas nhấn mạnh rằng, các cuộc đàm phán hòa bình Trung Đông sẽ chẳng có giá trị gì chừng nào Israel vẫn còn chiếm đóng các vùng lãnh thổ của người Palestine.

Tuy nhiên, mặc dù Palestine đã dược nâng cấp qui chế nhà nước quan sát viên phi thành viên tại Liên Hợp Quốc từ hồi năm 2012, song giới ngoại giao cho rằng lần này, Palestine sẽ phải đối mặt với một “cuộc chiến khó khăn hơn” khi mà Mỹ, quốc gia có quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an, một đồng minh của Israel, sẽ sử dụng quyền phủ quyết của mình để ngăn chặn dự thảo nghị quyết vừa được Palestine trình lên.

Trên thực tế, Mỹ đã từng nhiều lần có các động thái tương tự đối với các nghị quyết liên quan đến Palestine. Và lần này có thể sẽ không phải là ngoại lệ bởi ngay sau khi Palestine trình dự thảo nghị quyết lên Liên Hợp Quốc, Mỹ đã để ngỏ khả năng sẽ phủ quyết nghị quyết này.

Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, Samantha Power khẳng định, cách duy nhất để đi đến một giải pháp mang tính thương lượng là thông qua các cuộc đàm phán giữa 2 bên.

Mặc dù đại sứ Israel Ron Prosor tại Liên Hợp Quốc cho rằng, thông qua việc theo đuổi một bản dự thảo nghị quyết, người Palestine đã bỏ qua mục tiêu chính trong tiến trình hòa bình, đơn phương hành động không thông qua đàm phán và đổ lỗi cho các bên khác.

Tuy nhiên, trên thực tế thì chính Israel lại không cho thấy thiện chí đàm phán của nước này. Dự thảo nghị quyết của Palestine được trình lên Hội đồng Bảo an đúng vào thời điểm chính phủ Israel thông báo đã chính thức thông qua kế hoạch xây dựng 2.610 nhà định cư tại khu vực Givat Hamatos, giữa Jerusalem và Bethlehem.

Theo giới phân tích, ông Netanyahu đang tiếp tục chính sách của ông nhằm phá vỡ tính khả thi của một giải pháp 2 nhà nước thông qua các hoạt động định cư mà ông đã cho tiến hành.

Tổ chức hòa binh của Israel, vốn phản đối các hoạt động định cư của nước này cho rằng, kế hoạch 2.600 nhà định cư của Israel ở Givat Hamatos sẽ hủy hoại giải pháp 2 nhà nước. Một khu định cư Do Thái ở Givat Hamatos sẽ chia rẽ nhà nước Palestine trong tương lai và ngăn chặn khả năng kết nối các khu vực của người Palestine tại Nam Jerusalem với nhà nước Palestine.

Do lo ngại kế hoạch của Israel có thể làm chệch hướng tiến trình hòa bình Trung Đông, chính phủ Mỹ đã gửi thông điệp đến Israel cảnh báo, hành động của Israel khiến Mỹ buộc phải đặt dấu chấm hỏi về những cam kết của nhà nước Do Thái trong các cuộc đàm phán hòa bình với người Palestine.

Ngày 1/10, người phát ngôn Nhà Trắng John Earnest nói: “Hành động của Israel đi ngược lại với tuyên bố của Israel về mục tiêu hướng tới một thỏa thuận với người Palestine và thật đáng lo ngại nếu như Israel thúc đẩy việc xây dựng khu định cư tại khu vực này. Kế hoạch này sẽ chỉ nhận được sự lên án từ cộng đồng quốc tế, khiến Israel xa rời các đồng minh thân cận của mình, hủy hoại bầu không khí, không chỉ với Palestine mà còn vối chính phủ các quốc gia Arab mà Thủ tướng Netanyahu từng nói rằng ông muốn xây dựng các mối quan hệ”.

Mặc dù Israel luôn khẳng định, xung đột giữa Israel và Palestine không phải là nguồn gốc của các vấn đề liên quan tới hòa bình Trung Đông, song trong cuộc gặp với Thủ tướng Israel Bengiamin Netanyahu vào ngày 1/10, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã kêu gọi Israel và Palestine cần tiếp tục đàm phán nhằm hướng tới xây dựng một nền hòa bình bền vững. Đây cũng chính là điều mà cộng đồng quốc tế mong mỏi ở các bên liên quan trong tiến trình hòa bình Trung Đông./.