Sau chuyến thăm 8 quốc đảo Thái Bình Dương của Ngoại trưởng Vương Nghị vào tháng trước với hơn 50 thỏa thuận hợp tác đã được ký kết, trong đó đáng chú ý nhất là thỏa thuận an ninh với Quần đảo Solomon, Trung Quốc bắt đầu gia tăng sự hiện diện và ảnh hưởng tại khu vực Nam Thái Bình Dương bằng việc cử 6 cố vấn đến Quần đảo Solomon để bảo đảm an ninh và lợi ích của nước này.

Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là việc cùng thời điểm chính phủ Quần đảo Solomon cho phép các cố vấn Trung Quốc nhập cảnh để huấn luyện cảnh sát địa phương về các chiến thuật kiểm soát bạo loạn thì nước này lại từ chối cấp thị thực cho các cố vấn hỗ trợ phát triển của Australia.

Dư luận Australia và khu vực lo ngại động thái của chính phủ Quần đảo Solomon đang báo hiệu sự thay đổi chính sách đối ngoại của nước này theo hướng sẽ ngày càng thắt chặt quan hệ với Trung Quốc trong khi giảm sự gắn kết với Australia, đối tác đang đóng góp viện trợ phát triển lớn nhất cho toàn bộ khu vực.

Trong bài phát biểu vào tuần trước, Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare đã ca ngợi Trung Quốc là đối tác xứng đáng trong sự phát triển của Quần đảo Solomon.

Một động thái đáng chú ý khác vừa diễn ra là cuối tuần qua chính phủ Kiribati quyết định ngay lập tức rút khỏi Diễn đàn các quốc đảo Thái Bình Dương (PIF). Kiribati đưa ra tuyên bố ngay trước thời điểm diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh của 18 nhà lãnh đạo Diễn đàn dự kiến vào thứ Tư tới được cho là sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sự thành công của hội nghị khi Australia và New Zealand cùng với Mỹ đang tìm cách thuyết phục các quốc đảo trong khu vực tăng cường hợp tác an ninh nội vùng, đồng thời hạn chế sự tham gia của các quốc gia bên ngoài khu vực.

Theo truyền thông khu vực quyết định của Kiribati là một đòn giáng mạnh vào các nhà lãnh đạo các quốc đảo Thái Bình Dương và sự thống nhất trong khu vực trong bối cảnh Trung Quốc đang ngày càng tỏ ra quyết đoán hơn tại đây. Theo hãng tin TV1 của New Zealand, hiện có những nghi ngờ về việc có thể có quốc gia bên ngoài khu vực đứng sau quyết định của Kiribati khi quốc đảo này có tầm quan trọng địa chiến lược và nằm gần các cơ sở quân sự và tài nguyên biển của Mỹ.

Các diễn biến mới tại Nam Thái Bình Dương cho thấy cạnh tranh địa chính trị tại khu vực đang được đẩy lên cao và có thể làm gia tăng căng thẳng trong khu vực./.