Trong hai ngày 13-14/6, tại Praha, CH Séc, Đối thoại Cấp cao về Ấn Độ - Thái Bình Dương đã được tổ chức long trọng quy tụ các tổ chức châu Âu, các Bộ trưởng Bộ ngoại giao và đại diện các cơ quan ngoại giao của nhiều quốc gia trong Liên minh châu Âu, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, để cùng bàn về chiến lược của Liên minh châu Âu liên quan tới việc hợp tác ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Sự kiện này được tổ chức nhân dịp CH Séc chuẩn bị giữ cương vị Chủ tịch hội đồng Liên minh châu Âu. Đây là diễn đàn quan trọng với mục tiêu là cung cấp một nền tảng để tổ chức các chương trình đối thoại hàng năm có sự tham gia của các quốc gia châu Âu với các đối tác và đưa ra những chiến lược riêng về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đối thoại cấp cao về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã quy tụ sự tham gia của các chính trị gia, quan chức cấp cao của chính phủ các nước, các tổ chức tài chính, nhà nghiên cứu, tổ chức phi chính phủ và đại diện doanh nghiệp để cùng một bàn tới các vấn đề hiện nay cũng như tìm ra phương hướng và khả năng hợp tác sâu rộng, hiệu quả hơn giữa các khu vực. Qua chương trình này, các quốc gia sẽ có cái nhìn tổng thể hơn để xem xét việc thực hiện Chiến lược của EU về hợp tác ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hiện tại cũng như tuyên bố các ưu tiên của Liên minh châu Âu (EU) dựa trên các chiến lược ưu tiên và các bước đi cụ thể trong quá trình thực hiện.
Mở đầu buổi thảo luận, Bộ trưởng ngoại giao Séc Jan Lipavsky đã nêu bật các trọng tâm chính trong chương trình lần này, các định hướng nội dung thảo luận của các diễn giả và các đại diện cấp cao của các nước liên quan tới Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của EU, một trong những mục tiêu quan trọng là tăng cường sự tham gia của EU tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nói riêng trong bối cảnh những đối tác khác của EU đã công bố cách tiếp cận khu vực này như Mỹ, Canada, Anh và Australia.
Tại chương trình này, các đại biểu cũng thảo luận về các hành động vừa qua của Nga ở Ukraine đồng thời nhấn mạnh lại tầm quan trọng của việc thực hiện Chiến lược của EU về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cũng như các vấn đề an ninh liên quan. Cuộc chiến ở Ukraine đã và đang gây ra những hậu quả trực tiếp và gián tiếp cho toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trong bối cảnh, Liên minh châu Âu (EU) vừa chính thức thông qua Định hướng chiến lược, hay còn gọi “La bàn chiến lược” về an ninh, quốc phòng, định hướng này sẽ bao gồm chiến lược của EU với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Trao đổi với phóng viên VOV, Bộ trưởng Ngoại giao Séc Jan Lipavsky một lần nữa khẳng định lại tầm quan trọng của chương trình này, với mục tiêu tạo cơ hội để các bên có thể cùng lắng nghe chia sẻ các mối quan tâm chung và đưa ra những giải pháp cho những thách thức sắp tới.
“Chúng tôi bắt đầu một hội nghị kéo dài hai ngày, đối thoại cấp cao về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và mục đích của hội nghị này là đưa ra một tiếng nói chung giữa EU và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cùng lắng nghe lẫn nhau, chia sẻ những mối quan tâm của chúng ta, cũng như những thách thức đang ở phía trước. Qua đó tìm kiếm câu trả lời để giải quyết những thách thức này. Và tất nhiên, an ninh là thách thức đầu tiên và quan trọng nhất mà tất cả chúng ta cùng nhau đối mặt”, ông Jan Lipavsky nói.
Các đại biểu cũng đa thảo luận về những tác động của cuộc chiến ở Ukraine đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trật tự an ninh toàn cầu. Mối quan hệ đối tác Trung - Nga hiện tại và tương lai cũng như các thách thức khác đối với trật tự quốc tế, chủ nghĩa đa phương và các vấn đề nhân quyền mà Châu Âu và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (bao gồm Mỹ, Canada) đang phải cùng nhau đối mặt.
Dự kiến trong ngày 14/6, các đại biểu sẽ tiếp tục thảo luận, trao đổi về các nội dung liên quan tới phục hồi kinh tế hậu đại dịch Covid-19, các hoạt động hỗ trợ lẫn nhau để đảm bảo chuỗi cung ứng và các hoạt động vận chuyển được khôi phục trở lại sau những ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch và ảnh hưởng chiến tranh; những tác động của các hiệp định thương mại khu vực đối với thương mại thế giới và nâng cao hơn nữa hiệu quả về đa dạng hóa chuỗi cung ứng của EU nói riêng và với các đối tác ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nói chung. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng sẽ thảo luận về hoạt động kết nối Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong thời gian tới một cách bền vững thông qua các quan hệ đối tác kết nối, kỹ thuật số, các vấn đề về môi trường - an ninh khí hậu cũng như tìm giải pháp để cùng nhau đạt một không gian kết nối an toàn, bảo mật và bền vững./.