Trong một bước đi “mềm mỏng” đầu tiên nhằm xoa dịu làn sóng biểu tình lan rộng suốt gần 2 tuần qua trên khắp các đường phố lớn cả nước, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ hôm 12/6 đã đề xuất tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về một dự án phát triển tại công viên Gezi ở thành phố Istanbul, nguyên nhân chính gây ra các cuộc biểu tình lớn nhất trong 10 năm cầm quyền của Thủ tướng Tayyip Erdogan.

Đề xuất trưng cầu ý dân được đưa ra sau khi Thủ tướng Erdogan gặp một nhóm gồm 11 nhà hoạt động tại thủ đô Ankara. Các cuộc thảo luận giữa chính phủ và các nhà hoạt động được cho là tín hiệu đầu tiên cho thấy Thủ tướng Erdogan đang tìm một lối thoát cho tình hình căng thẳng hiện nay.

Ông Huseyin Celik, người phát ngôn Đảng cầm quyền của Thủ tướng Erdogan tuyên bố chính phủ sẽ xem xét việc tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về dự án phát triển tại công viên Gezi ở thành phố Istanbul. Tuy nhiên ông Celik cũng khẳng định, công viên Gezi là một khu vực dễ xảy ra động đất và cần phải được dỡ bỏ.

bieu%20tinh%20phan%20doi%20tai%20tho%20nhi%20ky%20ve%20cong%20vien.jpg
(ảnh: euronews.com)

Người phát ngôn chính phủ bày tỏ tin tưởng chính phủ nước này sẽ giành được sự ủng hộ của người dân tại cuộc trưng cầu ý dân này.

Ông Celik nêu rõ: “Kết quả của  cuộc họp này là chúng tôi sẽ xem xét việc tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân tại Istanbul. Không phải là một cuộc trưng cầu ý dân toàn quốc mà chỉ là trưng cầu ý dân tại Istanbul. Người dân có muốn thực hiện dự án dỡ bỏ công viên hay không. Trong nền dân chủ, quyết định của người dân cần phải được chấp nhận và đánh giá cao, do đó chúng tôi sẽ chấp nhận tiếng nói của người dân Istanbul.”

Người phát ngôn chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho biết Thủ tướng đã ra lệnh điều tra và xử lý các hành vi trấn áp mạnh tay đối với người biểu tình. Tuy nhiên ông cũng yêu cầu người biểu tình ngay lập tức rời khỏi công viên Gezi.

Trong khi đó, phát biểu sau cuộc gặp với Thủ tướng Erdogan, đại diện những người biểu tình cho biết: “Chúng tôi cho rằng công viên Gezi vẫn cần phải được duy trì, bạo lực phải chấm dứt và cần mở một cuộc điều tra về những hành vi trấn áp người biểu tình. Chúng tôi hi vọng cuộc đối thoại với chính phủ sẽ tiếp tục sau khi bạo lực chấm dứt.”

Nhiều người biểu tình cũng bày tỏ hoài nghi về đề xuất trưng cầu ý dân của chính phủ và tiếp tục tụ tập tại quảng trường Taksim, tâm điểm của các cuộc biểu tình chống chính phủ kéo dài suốt 13 ngày qua.

Người biểu tình cho rằng các cuộc trưng cầu ý dân về vấn đề này sẽ chỉ làm sâu sắc thêm những chia rẽ trong xã hội và không thể giải quyết được tình hình hiện nay. Những người này tái khẳng định các yêu cầu của mình đó là chính phủ không được phá bỏ công viên tại Istanbul, phải sa thải một số quan chức cấp cao và phả trả tự do cho tất cả những người biểu tình đã bị bắt giữ. Tuy nhiên, đây lại là những vấn đề không nằm trong đề xuất trưng cầu ý dân của chính phủ. Theo giới phân tích, chính phủ có thể huy động những người ủng hộ tại cuộc trưng cầu ý dân lần này và tiếp tục kế hoạch của mình.

Thủ tướng Erdogan hiện đang chịu sức ép ngày càng tăng từ Liên minh châu Âu (EU) và một số đồng minh phương Tây phải giải quyết cuộc khủng hoảng này. Từ London, Thủ tướng Anh David Cameron hôm 12/6 bày tỏ quan ngại về tình hình tại Istanbul và cho rằng Thủ tướng Erdogan đã chưa đưa ra những phản ứng hợp lý nhằm giải quyết bế tắc. Liên minh châu Âu cùng ngày cho biết các nhà lãnh đạo khối này hi vọng Thủ tướng sẽ có những chính sách mềm mỏng hơn. Trong khi đó, Mỹ và Đức kêu gọi các bên tại Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành đối thoại nhằm giảm căng thẳng./.