Hôm 8/6, hàng nghìn người Thổ Nhĩ Kỳ đã tiếp tục xuống đường biểu tình chống chính phủ bất chấp lời kêu gọi chấm dứt biểu tình ngay lập tức của Thủ tướng Tayyip Erdogan. Trong khi đó, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ không tổ chức bầu cử trước thời hạn.

Theo các nhà phân tích, làn sóng biểu tình tại Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ đẩy chính phủ của Thủ tướng Erdogan đối mặt nhiều thách thức lớn  mà còn làm trầm trọng thêm tình trạng bất ổn của khu vực.

Hôm 8/6, Đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền của Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan bác bỏ lời kêu gọi tổ chức các cuộc bầu cử trước thời hạn, giữa lúc làn sóng biểu tình phản đối chính phủ bước sang ngày thứ 9 với qui mô lớn hơn, thậm chí đã bắt đầu nhận được sự ủng hộ của người dân ở một số nước khác.

“Không có chuyện bầu cử trước thời hạn”

Phát biểu tại cuộc họp báo ở thành phố Istanbul, Phó Chủ tịch Đảng Công lý và Phát triển Huseyin Celik tuyên bố bầu cử khu vực, bầu cử tổng thống sẽ được tổ chức vào năm 2014 và tổng tuyển cử sẽ diễn ra vào năm 2015 theo đúng kế hoạch.

bieu%20tinh%20tai%20tho%20nhi%20ky.jpg
Biểu tình tại Thổ Nhĩ Kỳ (ảnh: baltimoresun)

Ông Celik khẳng định chính phủ đang hoạt động suôn sẻ nên không có lý do gì để tổ chức bầu cử trước thời hạn, và bầu cử sẽ không được tiến hành chỉ vì các cuộc tuần hành trên đường phố.

“Một số phương tiện truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin rằng, cuộc bầu cử trước thời hạn sẽ được tổ chức nhưng tôi có thể nói rằng, những thông tin này là hoàn toàn vô căn cứ,” ông Celik nói. “Đây là câu chuyện giả mạo”.

Trong khi đó, hàng chục nghìn người tụ tập trên đường phố ở các thành phố lớn của Thổ Nhĩ Kỳ, thách thức lời kêu gọi của Thủ tướng Erdogan yêu cầu chấm dứt ngay các cuộc biểu tình. Tại thành phố Istanbul, những đám đông lớn nhất từ trước đến nay chen kín Quảng trường Taksim, tâm điểm của làn sóng biểu tình kéo dài nhiều ngày qua. Họ đốt pháo sáng và la hét, tuyên bố tiếp tục biểu tình cho đến khi ông Erdogan từ chức thủ tướng buộc cảnh sát đã bắn hơi cay và vòi rồng vào người biểu tình.

Tại thủ đô Ankara, hàng trăm cảnh sát buộc phải dùng hơi cay và vòi rồng giải tán khoảng 5.000 người biểu tình tụ tập tại Quảng trường Kizilay, đồng thời truy đuổi những người ẩn náu trên các con phố xung quanh, khiến vài người bị thương.  

Những người biểu tình cho biết: “Tôi nghĩ rằng trong bài phát biểu của mình Thủ tướng nói rằng, ông sẽ có một số nhượng bộ và chúng ta nên rút khỏi quảng trường, nhưng theo tôi ông ấy không chân thành. Chúng tôi đã không quên những gì ông đã làm khi ông ấy đáp lại chúng tôi bằng hơi cay”.

Biểu tình cả trong cộng đồng hải ngoại

Tại thủ đô Berlin của Đức, hàng nghìn người biểu tình mang theo cờ Thổ Nhĩ Kỳ và hô vang khẩu hiệu "Chiếm lấy Công viên Gezi" - khu vui chơi nằm dọc Quảng trường Taksim có nguy cơ bị phá để xây trung tâm thương mại. Tại thành phố New York của Mỹ, hàng trăm người vẫy cờ Thổ Nhĩ Kỳ để bày tỏ sự ủng hộ những người biểu tình ở quốc gia Hồi giáo này. Một nhóm người Hy Lạp cũng tham gia cuộc tụ tập ở New York, như đã từng xảy ra trong phong trào "Chiếm lấy phố Wall" tại đây năm 2011.

Như vậy, bất chấp Thủ tướng Erdogan vừa lên tiếng trấn an dư luận khi ông ở thăm Bắc Phi rằng: "Tình hình đang yên tĩnh trở lại", làn sóng biểu tình vẫn cuộn dâng tại Thổ Nhĩ Kỳ. Mâu thuẫn giữa những người biểu tình và chính phủ đã gia tăng khi hai bên lên án nhau. Thủ tướng Erdogan đã gọi những người biểu tình là "những kẻ cực đoan bắt tay với khủng bố". Trong khi đó, Kesk, Liên đoàn các công đoàn, tổ chức đại diện cho khoảng 240 nghìn người, cáo buộc chính phủ đã có hành vi "khủng bố nhà nước".  

Theo thống kê, hơn 200 cuộc biểu tình đã nổ ra tại 67 thành phố trên khắp Thổ Nhĩ Kỳ những ngày qua, các vụ xô xát giữa cảnh sát và người biểu tình đã khiến 3 người chết, hơn 5 nghìn người bị thương.

Tình hình bất ổn ở Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ gây lo ngại cho chính phủ nước này, mà nó còn khiến an ninh khu vực càng thêm bất ổn, trong bối cảnh cuộc nội chiến khốc liệt tại Syria vẫn diễn ra nghiêm trọng. Ðây cũng là một trong những lý do khiến cả Mỹ và Liên hiệp châu Âu (EU) đều vừa bày tỏ mối lo ngại về làn sóng bạo lực tồi tệ nhất trong vài thập kỷ qua diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời kêu gọi chính quyền Ankara kiềm chế, chấm dứt việc sử dụng vũ lực trấn áp những người biểu tình./.