Trong bối cảnh chính phủ của Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đang đối mặt với những cuộc biểu tình quy mô lớn nhất kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2002,  Thủ tướng Erdogan ngày 9/6 cảnh báo rằng, sự kiên nhẫn của chính phủ là "có giới hạn", đồng thời tiếp tục yêu cầu người dân cần chấm dứt ngay các hoạt động chống đối. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích để chấm dứt cuộc khủng hoảng này, Chính phủ cần phải lắng nghe người dân nhiều hơn. 

thu-tuong-tho.jpg
Các nhà phân tích cho rằng Thủ tướng Erdogan, Chính phủ và Đảng Công ly-Phát triển cần lắng nghe người dân nhiều hơn (Ảnh: Press TV)

Các cuộc biểu tình chống chính phủ tại Thổ Nhĩ Kỳ đã bước sang ngày thứ 11 liên tiếp nhưng vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Trước làn sóng bạo động leo thang,  Thủ tướng Tayyip Erdogan cuối tuần qua đã triệu tập một cuộc họp nội các khẩn cấp để tìm ra các biện pháp tháo gỡ tình hình bế tắc chính trị hiện nay cũng như có những động thái thể hiện sự nhượng bộ, kêu gọi chấm dứt các hoạt động biểu tình rộng khắp đất nước trong nhiều ngày qua.

Ngày 9/6, ông Erdogan cũng buộc phải đưa ra cảnh báo với những người chống chính phủ rằng, sự nhân nhượng của ông chỉ “có giới hạn” và đe dọa sẽ mạnh tay với các cuộc biểu tình - một động thái mà theo giới quan sát có thể khiến gia tăng căng thẳng và những bất ổn trong nước. Trong bài diễn văn tại cuộc míttinh của hàng nghìn người ủng hộ Đảng Công lý và Phát triển ở thủ đô Ankara,Thủ tướng Erdogan nhấn mạnh: "Chúng ta đã giữ kiên nhẫn, chúng ta vẫn sẽ kiên nhẫn nhưng sự kiên nhẫn của chúng ta là có giới hạn. Vì vậy, những ai làm chính trị bằng cách đứng đằng sau những người biểu tình thì cần phải tìm hiểu kỹ hơn về ý nghĩa của chính trị”.

Bất chấp những cảnh báo từ Thủ tướng Erdogan, tới sáng 10/6, tại thủ đô Ankara, các cuộc đụng độ giữa lực lượng cảnh sát và những người biểu tình vẫn tiếp diễn gay gắt. Cảnh sát đã phải sử dụng tới vòi rồng, hơi cay và đạn khói để trấn áp những người biểu tình ném đá vào lực lượng an ninh.

Các cuộc biểu tình không có dấu hiệu chấm dứt, mà thậm chí còn mở rộng thành một phong trào phản kháng rầm rộ chống lại chính phủ của Thủ tướng Erdogan bất chấp việc Phó Thủ tướng Bulent Arinc ngày 4/6 xin lỗi về việc cảnh sát nước này sử dụng vũ lực quá mức cần thiết khi trấn áp làn sóng người biểu tình mấy ngày qua. Ông Arinc thừa nhận, việc sử dụng vũ lực để chống lại những người đấu tranh vì môi trường là sai trái và bất công. 

Cuối tuần qua, Thị trưởng thành phố Istanbul cũng tuyên bố sẵn sàng xem xét lại dự án phá bỏ công viên Gezi, và bỏ hẳn dự định xây dựng trung tâm thương mại, khách sạn hay nhà ở, tuy nhiên đưa ra giả thiết sẽ xây dựng tại đây “một bảo tàng của thành phố” hay “một trung tâm triển lãm”. Tòa án hành chính Istanbul đã ra phán quyết dừng dự án xây dựng lại trại lính tại công viên này. Nhưng những người biểu tình yêu cầu chính quyền đưa ra xét xử các chỉ huy cảnh sát, chịu trách nhiệm về các đàn áp, trả tự do cho những người bị bắt và hủy bỏ hoàn toàn dự án tại công viên Gezi.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, mặc dù khởi nguồn từ biểu tình hòa bình vì môi trường, song thực chất, các cuộc biểu tình kéo dài những ngày qua tại Thổ Nhĩ Kỳ đang mang "một màu sắc chính trị". Điều này thể hiện một phần sự bất mãn lâu nay của người dân Thổ Nhĩ Kỳ trước các quyết sách của Chính phủ do Đảng Công lý và Phát triển cầm quyền trong suốt 10 năm qua, khiến cho nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa có những bứt phá. Bên cạnh đó, nhiều người cho rằng, không ít những phần tử cực đoan đang đứng đằng sau các cuộc biểu tình vừa qua khiến cho tình hình trở nên khó kiểm soát hơn.

Mặc dù đang phải đối mặt với làn sóng biểu tình, nhưng Đảng Công lý và Phát triển vẫn được sự ủng hộ mạnh mẽ của lực lượng cử tri trung thành. Tại Quốc hội, Đảng này vẫn duy trì lợi thế đa số với 327 ghế trên tổng số 550 ghế trong bối cảnh phe đối lập bị chia rẽ và tê liệt. Trong những ngày tới, có thể tình hình ở Thổ Nhĩ Kỳ diễn biến phức tạp và xấu đi khi làn sóng biểu tình, tuần hành, bãi công và bạo lực lan rộng. Theo các nhà quan sát, để vượt qua thử thách nhằm trụ lại cho đến cuộc tổng tuyển cử năm 2015, Thủ tướng Erdogan và Đảng Công lý - Phát triển "cần phải lắng nghe tiếng nói của người dân và làm sao để chính phủ của ông trở nên toàn diện hơn".

Không thể phủ nhận một thực tế là làn sóng biểu tình bạo loạn hiện nay chính là tiếng chuông cảnh báo đối với Đảng Công lý và Phát triển. Họ sẽ phải có những nhượng bộ với người biểu tình và điều chỉnh chính sách về lâu dài. Theo dự báo của Bộ phận dự báo, phân tích và tư vấn rủi ro (EIU) thuộc Tập đoàn "The Economist" (Anh), nếu kịp thời thay đổi đường hướng và ổn định tình hình, Đảng Công lý và Phát triển còn có khả năng giành chiến thắng tại cuộc tổng tuyển cử vào năm 2015./.