Cáo buộc chống lại bà Yingluck được đưa ra trong bối cảnh các cuộc giao tranh bằng súng và lựu đạn vẫn liên tục diễn ra hằng đêm tại thủ đô Bangkok và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến du lịch tại quốc gia vốn nổi tiếng với những đền đài tráng lệ.

Nội chiến có thể xảy ra?

Theo Reuters, nghệ sỹ guitar nổi tiếng Eric Clapton đã phải hoãn buổi hòa nhạc tại thủ đô Bangkok vào ngày 2/3 do lo ngại tình hình an ninh tại đây.

Người biểu tình Thái Lan vẫn tiếp tục gây sức ép với Chính phủ (Ảnh AP)

Trong khi đó, khoảng 200 người ủng hộ bà Yingluck đã khóa cổng trụ sở Ủy ban Chống Tham nhũng Quốc gia ngày 27/2 và yêu cầu tất cả những nhân viên của Ủy ban này không được làm việc tại đây.

Tuy nhiên, nữ Thủ tướng tạm quyền hiện đang ở phía Bắc thành phố Chiang Mai, quên hương của bà và không có ý định tham gia phiên điều trần.

Các cáo buộc tại phiên điều trần này đều liên quan đến kế hoạch trợ cấp giá gạo trong đó Chính phủ Thái Lan sẽ trả tiền cho nông dân nước này cao hơn giá thị trường.

Tuy nhiên, kế hoạch này đã gây ảnh hưởng lớn đến ngân sách của Thái Lan và gây thêm nhiều rắc rối cho Chính phủ trong bối cảnh những nông dân chưa được trả tiền cũng dọa biểu tình.

Trong bối cảnh đó, cả những người ủng hộ bà Yingluck và những người biểu tình chống Chính phủ đều đã có những cuộc đụng độ vũ trang với nhau.

Cả hai bên sau đó đều đã kêu gọi chia cắt Thái Lan làm đôi theo trục chính trị Bắc-Nam. Một điều có thể làm nảy sinh nguy cơ nội chiến ở nước này.

“Cho đến nay, vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy một cuộc nội chiến có thể diễn ra”, Người đứng đầu Hội đồng An ninh quốc gia Thái Lan Paradorn Pattanatabutr cho biết.

"Chính phủ Thái Lan cần phải làm mọi cách để tránh các cuộc đối đầu với những người vẫn muốn tuân thủ luật pháp và những người không còn chấp nhận luật pháp này nữa. Nếu họ có thể làm được điều này thì họ có thể tránh được nguy cơ nội chiến”, ông Paradorn nói.

Những cẳng thẳng gần đây tại Thái Lan lại làm dấy lên câu hỏi rằng liệu quân đội nước này có tiến hành can thiệp như họ đã từng làm trước đây hay không bất chấp việc Tư lệnh quân đội nước này đã bác bỏ việc này.

Mỹ quan ngại về tình hình Thái Lan

Trong khi đó, ngày 26/2, Mỹ đã bày tỏ lo ngại về tình hình gia tăng căng thẳng tại Thái Lan và kêu gọi các bên kiềm chế tránh lao vào một cuộc xung đột dường như không có điểm dừng.

“Bạo lực không phải là biện pháp có thể chấp nhận được để giải quyết sự khác biệt về chính trị tại Thái Lan”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki phát biểu.

“Chúng tôi nhắc lại lời kêu gọi của Mỹ rằng các bên cần phải kiềm chế và các quan chứ Thái Lan cần phải tiến hành điều tra cặn kẽ về những hành động bạo lực gần đây”, bà Psaki nói. Bà cũng cho biết Mỹ đang quan sát tình hình tại Thái Lan rất chặt chẽ.

Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Đại sứ Mỹ tại Thái Lan Kristie Kenney đang tích cực tham gia vào những nỗ lực nhằm đưa ra một nghị quyết hòa bình và dân chủ để chấm dứt những căng thẳng tại đây./.