Hôm qua (25/2), chính phủ lâm thời Thái Lan và Ủy ban Cải cách dân chủ nhân dân chống chính phủ bắt đầu các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt khủng hoảng chính trị ở nước này. Cuộc gặp mặt giữa hai bên được coi là tín hiệu tích cực trong bối cảnh Thái Lan đang chìm sâu vào khủng hoảng. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích chính trị vẫn nhận định đất nước Thái Lan vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới.

tuong%20prayut.jpg
Tư lệnh Lục quân Thái Lan Prayut (ảnh: internet)

Ủy ban Bầu cử Thái lan (ECT) ngày hôm qua xác nhận, chính phủ của Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra và phe đối lập đã khởi động đàm phán nhằm giải quyết mâu thuẫn chính trị và tìm giải pháp chấm dứt khủng hoảng hiện nay.

Ðại diện Chính phủ là cựu Thủ tướng Somchai Wongsawat, thành viên đảng Vì nước Thái cầm quyền cùng nhà sư Luang Pu Buddha Issara, đại diện lãnh đạo phe biểu tình đã tham gia cuộc đối thoại được tổ chức tại Văn phòng chính phủ ở thủ đô Bangkok.

Cuộc đàm phán kéo dài trong khoảng 1 giờ và hai bên đã bước đầu phác thảo lộ trình đàm phán, nhất trí nâng cấp đại diện và tăng số lượng thành viên tham gia đàm phán trong các bước tiếp theo. Theo Ủy ban Bầu cử Thái lan, nếu tiến trình đàm phán suôn sẻ, hai bên có thể đạt được thỏa thuận sau hai tuần nữa.

Tuy nhiên, trong bối cảnh căng thẳng dẫn đến xung đột diễn ra thường xuyên tại Thái Lan cũng như việc những người chống chính phủ tiếp tục biểu tình để ép Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra từ chức, thì nhiều nhà phân tích chính trị đã tỏ ra không mấy lạc quan vào kết quả của  cuộc gặp. Các nhà phân tích chính trị cảnh báo, các cuộc đàm phán chỉ thành công khi hai bên tỏ thiện chí, cùng tạo môi trường hòa bình, thuận lợi, giảm các hành động công kích và thù địch, cũng như cam kết chấm dứt bạo lực.

Ông Chareonwongsak-nhà phân tích chính trị độc lập Thái Lan nói: “Ba hoặc 4 tháng tới, đất nước Thái Lan sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn. Theo tôi, diễn biến hiện nay giữa chính phủ và phe đối lập giống như một trận đấu đấm bốc. Hiệp đầu tiên bất cứ ai chiến thắng không có nhiều ý nghĩa, sẽ có hiệp hai, hiệp ba, hiệp bốn… Xung đột sẽ tiếp tục trong thời gian tới tại Thái Lan. Do vậy, các bên cần phải có những giải pháp rõ ràng và khả thi mà cả hai bên có thể chấp nhận được”.

Cũng trong ngày hôm qua, người đứng đầu Cục Điều tra Đặc biệt và Tư lệnh lục quân Thái Lan cũng cảnh báo rằng đất nước có thể đối mặt với nội chiến nếu phe ủng hộ và chống chính phủ không kiềm chế.

  >> Xem thêm: Bangkok căng thẳng, Thủ tướng Yingluck phải rời trụ sở

Trả lời phỏng vấn trên truyền hình, Giám đốc Cơ quan Điều tra Đặc biệt Thái Lan, Tarit Pengdith cảnh báo, tình hình có thể “leo thang thành nội chiến” và kêu gọi “sự kiềm chế và kiên nhẫn” ở cả hai phe phái. Bình luận của ông Tarit cũng tương tự cảnh báo của người đứng đầu lực lượng quân đội Thái Lan, tướng Prayut Chan-Ocha.

Ông Prayut Chan-Ocha nói: “Theo tôi, có khả năng xảy ra một cuộc nội chiến tại Thái Lan. Và đến bây giờ thì khả năng đó đang lớn dần. Quân đội sẽ làm tất cả mọi thứ vì đất nước và nhân dân... chứ không vì một bên nào".

  >>  Đọc thêm: Phe biểu tình Thái Lan thề chiếm được trụ sở cảnh sát

Trong diễn biến mới nhất, hôm qua (25/2), những người biểu tình chống chính phủ tiếp tục bao vây các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp được cho là có dính líu đến gia tộc Shinawatra.

Rạng sáng nay, người biểu tình đóng tại khu vực Pathumwan và Ratchaprasong kể rằng nghe thấy tiếng súng và nhiều vụ nổ. Tuy nhiên, không có thương vong nào được báo cáo.

Như vậy, tổng cộng 21 người đã thiệt mạng và hơn 700 người bị thương do tình trạng bạo lực liên quan đến gần 4 tháng biểu tình chống chính phủ của phe đối lập tại Thái Lan./.