Sáng 24/2, Trung tâm y tế Erawan của Thái Lan thông báo, vụ bắn súng phóng lựu M.79 ở thủ đô Bangkok chiều 23/2 đã làm 3 người chết, trong đó có 1 phụ nữ và 2 trẻ em, và làm 21 người khác bị thương.
Tính từ khi bắt đầu cuộc biểu tình do ông Suthep lãnh đạo hồi cuối tháng 11/2013 đến nay, Thái Lan đã có 19 người chết và 717 người bị thương do bạo lực liên quan đến biểu tình.
Tình hình Thái Lan trở nên căng thẳng trong những ngày gần đây sau các vụ đụng độ chết người giữa lực lượng an ninh và người biểu tình (Ảnh: Reuters) |
Một số nhà phân tích chính trị và an ninh Thái Lan cho rằng, các vụ bạo lực tại Thái Lan đã phản ánh cuộc đấu tranh quyền lực ngày càng quyết liệt giữa phe Chính phủ và phe đối lập ở nước này. Đặc biệt, phe đối lập đang sử dụng các biện pháp tổng hợp để gia tăng sức ép nhằm lật đổ Chính phủ tạm quyền do Thủ tướng Yingluck đứng đầu; đồng thời hướng tới mục tiêu gạt bỏ toàn bộ "chế độ Thaksin" khỏi chính trường Thái Lan.
Đó là việc những người biểu tình tăng cường các hoạt động ngăn cản không cho công chức làm việc, đồng thời tìm mọi cách phá hoại công việc kinh doanh của các công ty được coi là có liên quan tới gia đình cựu Thủ tướng Thaksin và Thủ tướng tạm quyền Yingluck.
Ông Suthep đêm 23/2 còn tuyên bố lực lượng biểu tình "sẽ giành thắng lợi" trong ít ngày tới. Đó là việc Ủy ban phòng chống tham nhũng Thái Lan đẩy nhanh việc truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với Thủ tướng tạm quyền Yingluck, khiến bà Yingluck sẽ sớm phải đối mặt với việc có thể bị mất chức Thủ tướng và bị truy tố hình sự.
Đó là việc Tòa án Hiến pháp Thái Lan coi cuộc biểu tình của ông Suthep là cuộc biểu tình hòa bình, phi bạo lực; trong khi thực tế không phải như vậy. Tiếp đó, Tòa Dân sự Thái Lan lại ra phán quyết cấm Chính phủ không được sử dụng lực lượng can thiệp, giải tán biểu tình của ông Suthep. Đó là chưa kể tiến trình bầu cử Hạ viện đang gặp bế tắc và Ủy ban bầu cử Thái Lan đang viện dẫn nhiều lý do để trì hoãn tiến trình bầu cử này.
Những động thái trên dường như đang có lợi cho phe đối lập và gây rất nhiều khó khăn thách thức cho phe Chính phủ trong việc điều hành đất nước và kiểm soát tình hình an ninh trật tự. Trong khi đó, phe áo đỏ ủng hộ Chính phủ hôm 23/2 đã tổ chức cuộc họp của hàng nghìn nhà lãnh đạo trên toàn quốc và họ đã ra quyết định sẽ khẩn trương huy động lực lượng tiến hành các hoạt động biểu tình mạnh mẽ ở thủ đô Bangkok và các địa phương để bảo vệ Chính phủ tạm quyền, thúc đẩy bầu cử Hạ viện và ngăn chặn hoạt động chống phá của phe đối lập.
Theo các chuyên gia, diễn biến chính trị căng thẳng đang dần đẩy Thái Lan vào tình trạng "chân không quyền lực", mở đường cho việc ra đời một Chính phủ mới không qua bầu cử, phi dân chủ. Cuộc khủng hoảng chính trị ở nước này có thể lên tới "đỉnh điểm", nếu xảy ra xung đột bạo lực đẫm máu giữa lực lượng ủng hộ Chính phủ và lực lượng ủng hộ phe đối lập.
Các cuộc thăm dò mới nhất cho thấy, đa số dư luận Thái Lan không mong muốn điều tồi tệ nêu trên xảy ra, vì nó sẽ kéo lùi sự phát triển chính trị - kinh tế và gây chia rẽ sâu sắc xã hội Thái Lan. Nhiều ý kiến của các nhà chính trị, học giả và nhà kinh doanh đã đề nghị các phe phái ở Thái Lan cần ngồi vào bàn thương lượng nhằm đạt được sự thỏa hiệp giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng này, đồng thời coi đây là giải pháp duy nhất để tránh cho Thái Lan không lâm vào tình cảnh của một cuộc nội chiến./.