Đây là lần đầu tiên lãnh đạo 2 nước đồng minh gặp nhau sau thỏa thuận hạt nhân lịch sử của Iran, vấn đề từng khiến quan hệ Mỹ - Israel trở nên lạnh nhạt hồi đầu năm nay.
![]() |
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Mỹ Barack Obama gặp mặt tại phòng Bầu dục Nhà Trắng năm 2011. Ảnh AFP |
Với ông Netanyahu, người từng khiến ông Obama có phần “bẽ bàng” khi nhận lời mời của phe Cộng hòa phát biểu trước Quốc hội Mỹ hồi tháng 3 năm nay nhằm phản đối thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Iran, đây là lúc bỏ qua điều mà ông gọi là “bất đồng trong gia đình” với ông chủ Nhà Trắng.
Cuộc hội đàm của Tổng thống Obama và Thủ tướng Netanyahu tại Nhà Trắng lần này là một bước quan trọng để tiến tới việc Mỹ cung cấp gói viện trợ quân sự mới cho Israel trước những mối đe dọa của “một khu vực Trung Đông đang thay đổi”.
Phát biểu trước khi lên đường đến Washington, Thủ tướng Netanyahu cho biết: “Cuộc đối thoại với Tổng thống Mỹ sẽ tập trung vào những sự kiện gần đây ở Trung Đông, bao gồm Syria, có thể là cả tiến trình hòa bình với Palestine hay ít nhất là ổn định tình hình với họ.
Tất nhiên nó cũng bao gồm việc củng cố an ninh của Israel, điều mà Mỹ luôn cam kết, đảm bảo sự sắc bén của Israel trong bối cảnh khu vực Trung Đông đang biến đổi và cán cân lực lượng đang thay đổi”.
Sự thay đổi mà ông Netanyahu nhắc tới chính là việc các cường quốc sẽ dần dỡ bỏ trừng phạt theo thỏa thuận hạt nhân mà nhóm P5+1 đạt được với Iran hồi tháng 7 vừa qua.
Theo ông Netanyahu, điều này sẽ khiến nước đối địch lâu nay của Israel có điều kiện đầu tư nhiều hơn vào việc phát triển tên lửa, tài trợ cho phong trào Hezbollah và Hamas, đều bị Israel coi là những mối đe dọa truyền thống của nước này.
Thủ tướng Israel cho rằng, việc chính quyền của Tổng thống Obama tăng cường viện trợ là điều cần thiết để đảm bảo an ninh cho đồng minh chiến lược của Mỹ ở khu vực Trung Đông.
Hiện mỗi năm Israel nhận được khoảng 3 tỷ USD viện trợ quân sự từ Mỹ. Hãng tin Reuters dẫn lời quan chức Quốc hội Mỹ cho biết, Israel đang muốn nâng con số này lên 5 tỷ USD mỗi năm trong vòng 10 năm tới.
Israel có thể yêu cầu Mỹ cung cấp thêm ngoài só lượng 50 máy bay chiến đấu F-35 dự kiến chuyển giao vào đầu năm sau và biến nước này trở thành quốc gia Trung Đông đầu tiên sở hữu loại máy bay chiến đấu hiện đại này. Israel cũng có thể đề cập kế hoạch mua máy bay lên thẳng V-22 Osprey.
Người phát ngôn chính phủ Israel từ chối cung cấp chi tiết về đàm phán viện trợ quân sự nhưng một quan chức của Mỹ dự đoán rằng 2 bên có thể dàn xếp một thỏa thuận từ 4-5 tỷ USD.
Tuy nhiên, các quan chức Mỹ khẳng định sẽ không có thỏa thuận nào về gói viện trợ mới được ký trong chuyến thăm lần này của Thủ tướng Netanyahu mà thay vào đó 2 nhà lãnh đạo có thể nhất trí thúc đẩy việc đàm phán ký kết Biên bản ghi nhớ (MoU).
Với cá nhân ông Obama, cuộc gặp này có thể xua tan những cáo buộc của phe Cộng hòa rằng ông hay bất cứ chính trị gia Dân chủ nào có thể kế nhiệm ông ít coi trọng đồng minh chiến lược ở Trung Đông này.
Tuy nhiên, các quan chức Mỹ ý thức được rằng, có nhiều vấn đề gai góc trong quan hệ với Israel sẽ vẫn còn đó, đặc biệt là bất đồng xung quanh tiến trình hòa bình với Palestine, một mục tiêu mà Tổng thống Obama theo đuổi suốt 2 nhiệm kỳ qua.
Điều này lại dường như sẽ không phải là ưu tiên trong chuyến thăm Mỹ lần này của Thủ tướng Israel dù nhiều nguồn tin thân cận với Nhà Trắng cho biết, ông Obama vẫn sẽ hối thúc nhà lãnh đạo Israel có những bước tiến để duy trì cơ hội cho giải pháp 2 nhà nước trong tương lai.
Trong lúc Mỹ bận bịu với chương trình nghị sự để giải quyết khủng hoảng ở Syria, chính quyền của Tổng thống Obama chỉ có thể dùng ảnh hưởng để thuyết phục ông Netanyahu đưa ra những cam kết với giải pháp 2 nhà nước. Bên cạnh đó, ông Obama không có lợi ích gì khi khơi lại “những vết thương cũ” trong quan hệ với ông Netanyahu.
Nhìn chung, giới quan sát cũng không kỳ vọng sau nhiều năm quan hệ cá nhân “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” giữa ông Obama và ông Netanyahu có thể cải thiện dù là chút ít trong chuyến thăm Mỹ lần này của Thủ tướng Israel.
Báo Jerusalem Post của Israel bình luận rằng, cuộc hội đàm giữa 2 nhà lãnh đạo này “không phải là cuộc gặp giữa những người cùng ý chí mà là một sự ghi nhận quan điểm chung và cơ hội xây dựng mối quan hệ từ đó”.
Vì thế ngoài việc củng cố mối quan hệ chiến lược dựa trên những thỏa thuận quốc phòng vì lợi ích an ninh chung, ông Netanyahu có lẽ sẽ bình tĩnh chờ đợi Tổng thống Obama kết thúc nhiệm kỳ cuối trong 14 tháng nữa và chờ một nhà lãnh đạo Mỹ có nhiều tiếng nói chung hơn./.