Tuy nhiên, theoAP, ông Abe khẳng định, ông sẽ không bao giờ chấp nhận thỏa hiệp với bọn khủng bố.
Phát biểu ngay sau khi quay trở về Tokyo sau chuyến công du 6 ngày đến các quốc gia Trung Đông, ông Abe nhấn mạnh: “Chúng tôi đang chạy đua với thời gian và chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức, tận dụng mọi biện pháp ngoại giao để có thể giành lại hai con tin này”.
Cũng theo Thủ tướng Nhật Bản, ông đã tham vấn với nhiều lãnh đạo các nước trong khu vực.
Ngoài ra, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Yasuhide Nakayama cùng ngày cũng đã có cuộc diện kiến với Quốc vương Jordan Abdullah II.
Trước đó, trong đoạn video mà IS đăng tải ngày 20/1, tổ chức này đã đòi Chính phủ Nhật Bản phải chi trả số tiền chuộc lên tới 200 triệu USD cho hai công dân Nhật Bản bị chúng bắt làm con tin và số tiền này phải được trao trong vòng 72 giờ kể từ khi đoạn video này được đăng lên (tức là khoảng ngày 23/1).
Theo các chuyên gia, trong vụ này, ông Abe có quá ít sự lựa chọn và một trong số đó là yêu cầu Mỹ tiến hành một chiến dịch giải cứu con tin đầy mạo hiểm bởi quân đội Nhật Bản hiện nay chỉ có chức năng phòng vệ tại quê nhà.
Trong quá khứ, nhiều con tin của Nhật Bản cũng đã từng bị bắt cóc và ít nhất có một người bị thiệt mạng trong khi hầu hết những người còn lại đều được thả tự do.
Hiện vẫn chưa rõ Nhật Bản đã phải trả tiền chuộc các con tin bao nhiêu lần bởi lần duy nhất nước này công khai xác nhận việc này là trong vụ giải cứu con tin tại Kyrgyzstan hồi năm 1999.
Truyền thông Nhật Bản ngày 21/1 dẫn lời một quan chức giấu tên cho biết, vợ của ông Goto, một trong hai con tin người Nhật Bản bị IS bắt cóc, đã nhận được một email vào tháng 12/2014 yêu cầu bà trả số tiền chuộc lên đến 2 tỷ yen (tương đương 17 triệu USD).
Sau đó, bà đã trao đổi qua email vài lần với một kẻ không rõ danh tính có địa chỉ tương tự với địa chỉ email của một kẻ thuộc tổ chức IS. Tuy nhiên, trong email của mình, tên này không hề đe dọa sẽ giết ông Goto.
Trong khi đó, ông Tsutomu Ishiai, Biên tập viên Quốc tế của tờ Asahi Shimbun, nhận định việc giải cứu các con tin là rất khó khăn vì các nhà ngoại giao Nhật Bản đã rời khỏi Syria ngay sau khi cuộc nội chiến tại nước này leo thang.
“Nhật Bản đang lâm vào tình trạng cực kỳ khó khăn trong việc cứu các con tin bằng cách liên lạc trực tiếp với các thủ lĩnh Hồi giáo và những nhân vật có ảnh hưởng nhất định và có khả năng đối thoại với IS”, ông Ishiai nói.
Ông Shuji Hosaka, một chuyên gia nghiên cứu cao cấp Tại viện Năng lượng và Kinh tế Nhật Bản tại Tokyo, cho biết, IS đã chủ đích bắt cóc các con tin người Nhật trong vụ này.
Theo ông Hosaka, những con tin người Nhật bị bắt cóc trước đó hoàn toàn là ngẫu nhiên khi nằm trong một nhóm những người bị những kẻ bắt cóc phục kích.
Tuy nhiên, trong vụ này, chúng đã tính toán thời điểm đòi tiền chuộc đúng vào lúc ông Abe đến Trung Đông.
“Tôi nghĩ rằng, chúng đã chờ đến thời điểm thích hợp nhất mới tung đoạn video đó lên”, ông Hosaka nói, “đó là khi ông Abe đến Trung Đông và cam kết viện trợ cho cuộc chiến chống IS tại đây. Chúng cho rằng hai con tin người Nhật Bản sẽ là những lá bài quan trọng để thương lượng với Chính phủ Nhật Bản”./.