Nhóm vũ trang đã chiếm được quyền kiểm soát tới 65% lãnh thổ đất nước, trong đó có cả những khu vực từng được xem là thành trì chống Taliban trong những năm 1990.
Đặc phái viên Mỹ về Afghanistan Zalmay Khalilzad hôm qua (10/8) đã tới thủ đô Doha, Qatar để thúc đẩy Taliban ngừng bắn và đàm phán về một giải pháp chính trị. Theo ông Khalilzad, bất kỳ chính phủ nào lên nắm quyền thông qua vũ lực đều sẽ không được quốc tế công nhận.
Tiến trình đàm phán hòa bình Afghanistan trở nên cấp bách hơn lúc nào hết khi Taliban đang gia tăng các cuộc tấn công trên khắp đất nước và đã chiếm quyền kiểm soát 8 trong số 34 thủ phủ cấp tỉnh, trong đó có 6 trên 9 thủ phủ ở phía Bắc. Theo một quan chức cấp cao của Liên minh châu Âu, chiến lược của Taliban dường như là nhằm cô lập thủ đô Kabul, đặc biệt khỏi sự hỗ trợ của các lực lượng ở miền Bắc, vốn được coi là thành trì chống Taliban trong những năm 1990.
Với việc cử Đặc phái viên tới Qatar, Mỹ hi vọng có thể thuyết phục được Taliban trở lại bàn đàm phán khi chỉ còn vài tuần nữa là tới thời hạn Mỹ và NATO kết thúc sứ mệnh tại Afghanistan. Mỹ đang phải đối mặt với những chỉ trích ngày càng tăng rằng đã phạm phải “sai lầm chiến lược” khi quyết định rút quân chóng vánh. Tuy nhiên, Tổng thống Biden hôm qua một lần nữa khẳng định không lấy làm tiếc về quyết định của mình, đồng thời đảm bảo Mỹ vẫn duy trì cam kết đối với chính quyền Kabul:
“Các nhà lãnh đạo Afghanistan phải xích lại gần nhau, phải chiến đấu vì chính bản thân họ, vì chính đất nước của họ. Tôi xin nhấn mạnh rằng, Mỹ sẽ tiếp tục duy trì cam kết đối với chính quyền Kabul, cung cấp hỗ trợ không quân cần thiết, cũng như đảm bảo kực lượng không quân của Afghanistan có thể hoạt động. Nhưng điều quan trọng là họ phải có ý chí chiến đấu”.
Các cuộc đàm phán tại Doha lần này sẽ được mở rộng với sự tham gia của cả Nga, Trung Quốc và Pakistan. Tuy nhiên, kết quả cuộc đàm phán vẫn chưa rõ ràng và tương lai của đất nước Afghanistan là khá mông lung. Ngay cả Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani cũng phải thừa nhận, chừng nào còn ưu thế trên chiến trường, Taliban sẽ không hướng tới hòa bình.
Trước thềm đàm phán, người phát ngôn Cao ủy nhân quyền của Liên Hợp Quốc Ravina Shamdasani đã kêu gọi tất cả các quốc gia có liên quan sử dụng ảnh hưởng của mình để chấm dứt xung đột tại Afghanistan:
“Các bên tham gia xung đột phải ngừng giao tranh để ngăn chặn đổ máu nhiều hơn. Tất cả các bên quay trở lại bàn đàm phán và đạt được một giải pháp hòa bình. Nếu không, tình hình vốn đã tàn khốc đối với rất nhiều người Afghanistan sẽ trở nên tồi tệ hơn nhiều. Cao ủy nhân quyền Liên Hợp Quốc cũng hối thúc tất cả các quốc gia sử dụng ảnh hưởng của mình, song phương và đa phương, để chấm dứt tình trạng này”.
Theo Liên Hợp Quốc, chỉ trong nửa đầu năm nay, hơn 1.600 dân thường đã thiệt mạng và hơn 3.000 người khác người bị thương, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Càng đáng lo ngại hơn khi phụ nữ và trẻ em chiếm một nửa số nạn nhân. Nếu không ngăn chặn được các cuộc tấn công của lực lượng Taliban trên khắp đất nước, Afghanistan có thể phải chứng kiến số dân thường thiệt mạng ở mức cao nhất trong hơn một thập kỷ qua./.