Cuộc bỏ phiếu ngày hôm qua (8/6) tại Thượng viện được đánh giá là “cuộc hợp sức” hiếm hoi giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa khi hai phe nhất trí thông qua dự luật “Cạnh tranh và Sáng tạo Mỹ”, bao gồm những khoản đầu tư lớn trong lĩnh vực khoa học và các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Trung Quốc. Dự luật được kỳ vọng sẽ gia tăng sự cạnh tranh lâu dài của Mỹ trước một trong những đối thủ chính trị hàng đầu.

Đặc biệt kế hoạch bao gồm 190 tỷ USD dành riêng cho nghiên cứu và phát triển, cũng như thúc đẩy sản xuất trong nước đối với nhiều loại linh kiện công nghiệp chẳng hạn như chất bán dẫn để giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài, trong đó có Trung Quốc. Theo các nhà quan sát, dự luật sẽ không gặp nhiều khó khăn để được Hạ viện thông qua trước khi trình lên Tổng thống Joe Biden ký thành luật.

Đánh giá về kết quả cuộc bỏ phiếu, trong khi lãnh đạo đảng Cộng hòa thiểu số tại Thượng viện Mitch McConnell nhấn mạnh, dự luật sẽ giúp định hình nền tảng chiến lược của Mỹ trong nhiều thập kỷ, thì lãnh đạo phe Dân chủ chiếm đa số tại Thượng viện Chuck Schumer cho rằng:

“Dự luật có thể là bước ngoặt quan trọng đối với vai trò lãnh đạo của Mỹ trong thế kỷ 21 và cũng bởi lý do đó, đây cũng sẽ là một trong những thành tựu lưỡng đảng quan trọng nhất tại Thượng viện”.

Trên thực tế, cách tiếp cận có phần cứng rắn của chính quyền Tổng thống Joe Biden đối với Trung Quốc không hề gây ngạc nhiên và dự thảo luật “Cạnh tranh và Sáng tạo Mỹ” chỉ là sự khởi đầu. Hồi giữa năm ngoái khi vẫn chỉ là một ứng cử viên Tổng thống, ông Joe Biden từng kêu gọi “Mỹ phải cứng rắn với Trung Quốc” nếu không muốn bị mất công nghệ và tài sản trí tuệ vào tay Trung Quốc. Và mới đây nhất trong bài viết đăng trên Washington Post, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng, Trung Quốc không nên tham gia vào việc xây dựng các quy tắc thương mại và công nghệ toàn cầu. Trong bối cảnh này, Trung Quốc đã kêu gọi Mỹ ngừng thổi phồng cái mà nước này gọi là “mối đe dọa Trung Quốc” và làm nhiều hơn nữa để thúc đẩy sự tin cậy lẫn nhau, cũng như hợp tác giữa các nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nhấn mạnh: “Trung Quốc cho rằng, phát triển hòa bình và hợp tác cùng có lợi là xu hướng của thời đại và là mong muốn chung của tất cả các nước. Chủ nghĩa đa phương giả có chọn lọc, chẳng hạn như liên kết theo ý thức hệ, xây dựng các khối chính trị nhỏ nhằm vào một quốc gia cụ thể đi ngược lại xu hướng thời đại. Những cách làm như vậy sẽ không bao giờ nhận được sự ủng hộ và sẽ không đi đến đâu”.

Theo các nhà phân tích, điểm khác biệt trong cách tiếp cận giữa chính quyền Tổng thống Joe Biden thuộc đảng Dân chủ và chính quyền người tiền nhiệm có chăng chỉ là ở phương pháp thực hiện. Trái ngược với chính sách có phần cực đoan và luôn tìm cách biến Trung Quốc thành bên phải chịu trách nhiệm của người tiền nhiệm Donald Trump, Tổng thống Joe Biden ngay từ đầu đã cho thấy xu hướng tạo dựng các liên minh để đối phó với ảnh hưởng của Trung Quốc, song cũng cho thấy sẵn sàng hợp tác trong những vấn đề lợi ích chung như biến đổi khí hậu, không phổ biến vũ khí hạt nhân hay an ninh y tế toàn cầu./.