Cho tới thời điểm hiện tại, thỏa thuận hạt nhân Iran luôn nhận được sự ủng hộ của phần lớn các nước trên thế giới, ngoại trừ Mỹ và một số quốc gia đồng minh của Washington tại khu vực Trung Đông.

thoa_thuan_hat_nhan_oqsc.jpg
 Thỏa thuận hạt nhân Iran được ký năm 2015 giữa Iran với nhóm P5+1 gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức. Ảnh: Youtube

Hiện Iran đang tiến hành đàm phán với các quốc gia tham gia ký thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, nhằm cứu vãn thỏa thuận “lịch sử” này sau khi Mỹ tuyên bố rút lui. Gần đây nhất, các quốc gia còn lại của thỏa thuận đã nhóm họp tại Viên, Áo để thảo luận việc duy trì dòng đầu tư và các hợp đồng mua bán dầu mỏ nhằm đối phó với các biện pháp trừng phạt của Mỹ có thể nối lại trong thời gian tới.

Đến nay, các cuộc đàm phán giữa Iran và châu Âu vẫn chưa thể ngã ngũ và Iran đang hi vọng châu Âu sẽ đưa ra một gói hỗ trợ kinh tế cho Tehran vào cuối tháng này. Theo Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi, nước này vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng về việc có ở lại thỏa thuận hạt nhân hay không và các cuộc đàm phán với châu Âu sẽ kết thúc nếu Tehran cảm thấy châu Âu đang lãng phí thời gian.

Nhà phân tích Trung Đông Meir Javendanfar nhận định, sớm hay muộn thỏa thuận này sẽ bị đổ vỡ bởi chính các nước châu Âu cũng không thể chủ động được trong vấn đề này: “Tôi nghĩ sẽ không lâu nữa Iran sẽ rời bỏ thỏa thuận này, bởi vì người châu Âu sẽ không thể bù đắp được sự mất mát mà nước Mỹ đã bỏ lại. Từ cuộc trò chuyện của tôi với một số quan chức châu Âu, rằng chính phủ các nước này không thể ép buộc các công ty của họ làm ăn với Iran”.

Tuy nhiên, các cuộc đàm phán giữa Iran và các đối tác không vì thế mà dừng lại. Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm nay cho biết, Tổng thống Iran Hassan Rouhani sẽ có chuyến thăm và làm việc tại Trung Quốc, nhân dịp tham dự Hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải lần thứ 18, vào tháng 6. Dự kiến, nhà lãnh đạo Iran và Trung Quốc sẽ có các cuộc thảo luận về việc thúc đẩy hợp tác song phương, cũng như nhằm tránh cho các dự án chung, trong đó có thỏa thuận hạt nhân Iran ký năm 2015 bị gián đoạn hay đổ vỡ.

Hiện tại Trung Quốc vẫn khẳng định, sẽ ở lại thỏa thuận hạt nhân mà họ đã mất 18 tháng để đàm phán. Cựu Đại sứ Trung Quốc tại Iran  Hoa Lê Minh (Hua Liming) cho biết: “Trung Quốc đã thông báo sẽ ở lại thỏa thuận hạt nhân Iran, bởi vì Trung Quốc đã là một trong những người đóng góp chính cho thỏa thuận này thông qua quá trình đàm phán dài 18 tháng. Đây là một thành quả lớn của nhóm P5+1, do đó, Trung Quốc sẽ không dễ dàng từ bỏ”.

Trong lúc này, cùng với các cuộc đàm phán với châu Âu, Nga hay Trung Quốc, Iran cũng đang tìm kiếm sự ủng hộ của các đối tác khác. Hôm nay, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã tiếp tục tới Ấn Độ để thỏa luận về các hợp tác song phương, cũng như nhằm đối phó  với các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ nhằm vào nước này. Ngoại trưởng Zarif hi vọng, mối quan hệ Ấn Độ-Iran sẽ tiếp tục phát triển như trước đây vì những “lợi ích” mà các hợp tác mang lại, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng./.