Thời gian qua, quan hệ hai nước ngày càng được tăng cường và củng cố.  Cuối năm ngoái, hai bên đã thành lập Hội đồng hợp tác chiến lược và ký thoả thuận miễn thị thực nhập cảnh cho công dân hai nước.

Các nguồn tin từ Syria và Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, trong chuyến thăm này hai bên cũng thảo luận về tiến trình hoà bình và giới hạn thời gian tiếp tục nối lại đàm phán trực tiếp Israel – Syria, do Thổ Nhì Kỳ làm trung gian. Trước đó, Ngoại trưởng Ahmet Davutoglu cho biết Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng đứng ra làm trung gian đàm phán giữa Israel và Syria nếu hai bên mong muốn.

Về phần mình, Tổng thống Syria Bashar al-Assad nhiều lần khẳng định sẵn sàng đàm phán với Israel và đánh giá cao vai trò trung gian của Thổ Nhĩ Kỳ. Syria yêu cầu Israel rút khỏi cao nguyên Golan mà nước này chiếm đóng năm 1967, trước khi bắt đầu bất kỳ cuộc đàm phán nào. Trong một diễn biến liên quan, ngày 3/3, Thủ tướng Israel Netanyahu khẳng định sẵn sàng gặp Tổng thống Syria ngay lập tức và vô điều kiện.

Việc nối lại đàm phán giữa Israel và Syria không phải là khó. Vấn đề chính là kết quả của cuộc đàm phán này. Năm 2008, hai bên đã tiến hành một số vòng đàm phán do Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian nhưng không đạt kết quả. Cuộc đàm phán này đã phải ngừng lại vì cuộc tấn công của Israel vào dải Gaza hồi cuối tháng 12/2008. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, thực chất đó không phải là lý do chính.

Israel chiếm cao nguyên Golan của Syria trong cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967 và sát nhập vào lãnh thổ nước này năm 1981. Việc sát nhập này không được quốc tế thừa nhận. Golan có vị trí địa lý và chiến lược quan trọng đối với Israel. Do đó, việc Syria đề nghị Israel rút khỏi khu vực này là rất khó và khả năng đàm phán thành công rất mong manh./.