Trong phản ứng đầu tiên về việc Thổ Nhĩ Kỳ đề nghị Tổ chức Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) triển khai các tên lửa Patriot, Chính quyền Syria cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ phải chịu trách nhiệm ”về tình trạng quân sự hóa tình hình tại khu vực biên giới”, cáo buộc nước láng giềng ”vũ trang, huấn luyện và tiếp tay cho hàng nghìn tên khủng bố xâm nhập vào lãnh thổ Syria”.

ten-lua-patriot.jpg
Hệ thống tên lửa Patriot được lắp đặt ở sân bay quân sự Diyarbakir, đông nam Thổ Nhĩ Kỳ (Ảnh: AFP)

Tổng thống Syria Bashar al-Assad cũng một lần nữa khẳng định quyết tâm giành chiến thắng trước ”chủ nghĩa khủng bố” và giải quyết cuộc khủng hoảng thông qua đối thoại dân tộc.

Trong khi đó, ngày 23/11, Chính phủ Nga và Iran lên án mạnh mẽ việc Thổ Nhĩ Kỳ cân nhắc khả năng triển khai các tên lửa đất đối không Patriot tại khu vực biên giới với Syria.

Chính phủ Nga cho rằng, việc quân sự hóa khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria sẽ chỉ làm cho tình hình trở nên phức tạp hơn. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng, càng chuyển nhiều vũ khí tới khu vực, càng làm gia tăng nguy cơ số vũ khí này sẽ được sử dụng. Còn Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Ramon Mehmanparast cho rằng, điều này không những không giúp giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syria mà còn làm cho tình hình trở nên trầm trọng và phức tạp hơn. Theo ông, yêu cầu của một số nước giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syria bằng con đường quân sự là nguyên nhân chính của căng thẳng và gia tăng những mối đe dọa trong khu vực.

Trước những chỉ trích này, Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen ngày 23/11 lên tiếng khẳng định, mục đích của biện pháp không phải là nhằm tăng cường vùng cấm bay hay chuẩn bị cho một chiến dịch tấn công, mà thuần túy chỉ là nhằm tự vệ./.