CNN ngày 14/11 dẫn nguồn tin từ Bộ Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, 1 người Mỹ được cho là chiến binh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã được đưa trở về Mỹ, 1 chiến binh người Anh và 7 người Đức cũng được đưa trở về quê hương. Theo đó, công dân Mỹ ban đầu được đưa đến Hy Lạp hôm 11/11 nhưng phía Hy Lạp từ chối tiếp nhận và người này đã bị mắc kẹt ở đây trong vài ngày.

tu_nhan_is_gtyz.jpg
Số phận của các tù nhân IS đang trở thành bài toán khó với các bên liên quan. Ảnh: Reuters.

“Theo cam kết từ phía Mỹ, các thủ tục cần thiết đã được thực hiện để đưa tay súng từng đứng trong hàng ngũ lực lượng khủng bố này trở về Mỹ”, tuyên bố của Bộ Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ nêu rõ.

Điều này đến ngay sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan có cuộc gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng hôm 13/11 để thảo luận về cuộc chiến chống IS cũng như một số vấn đề “nóng” khác.

Trong cuộc họp báo chung sau hội đàm, Tổng thống Erdogan nhấn mạnh Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang giữ hàng nghìn cá nhân có liên hệ với IS và Ankara đang trong quá trình đưa những đối tượng này trở về quê hương của họ.

Cảnh sát Anh hôm 14/11 cho biết, lực lượng chống khủng bố nước này đã bắt giữ một người đàn ông vì nghi âm mưu tấn công khủng bố “liên quan đến Syria” tại sân bay Heathrow của London sau khi đến Anh từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy vậy, cảnh sát Anh không xác nhận liệu người đàn ông vừa bị bắt giữ có phải là đối tượng trong kế hoạch của Thổ Nhĩ Kỳ hồi hương các tay súng IS hay không.

“Người đàn ông 26 tuổi bị bắt sau khi đến sân bay Heathrow trên một chuyến bay từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Vương quốc Anh. Đối tượng này bị bắt vì nghi ngờ chuẩn bị các hành vi khủng bố theo mục 5 của Đạo luật Khủng bố 2006 và hiện vẫn đang bị cảnh sát giam giữ”, đại diện cảnh sát Anh cho biết.

Bộ Nội vụ Anh nói với CNN rằng họ sẽ không bình luận về từng trường hợp riêng lẻ.

Tuần trước, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố rằng họ sẽ bắt đầu trả các chiến binh IS về đất nước họ. Đây là điều từ lâu Ankara đã cố gắng thực hiện, ngay cả đối với những tay súng đã bị tước quyền công dân.

Thổ Nhĩ Kỳ không ít lần lên tiếng chỉ trích các quốc gia châu Âu khi từ chối nhận lại những chiến binh đã bị tước quyền công dân. Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Suleyman Soylu thậm chí nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ không phải là “nhà nghỉ hay khách sạn” để các phần tử IS có thể ở lại vô thời hạn.

Theo hãng thông tấn nhà nước Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ, một số nước châu Âu từ chối tiếp nhận các tay súng từng chiến đấu cho IS, viện cớ rằng họ đã bị tước quốc tịch và trở thành người không có quốc tịch. Ngoài công dân Mỹ, Anh, Đức thì công dân các nước như Pháp, Đan Mạch và CH Ireland cũng sẽ bị trục xuất khỏi Thổ Nhĩ Kỳ./.