Lực lượng cứu hộ vẫn đang tích cực tìm kiếm thi thể các nạn nhân và những người còn mất tích trong các đám cháy rừng được xem là nghiêm trọng nhất tại bang miền Tây nước Mỹ này, với ít nhất 50 người đã thiệt mạng.
Đội tìm kiếm cứu hộ tiếp cận hiện trường sau khi ngọn lửa càn quét Paradise, California, Mỹ. (Ảnh: Reuters) |
Ngày 13/11, các nhân viên cứu hộ đã tìm thấy thêm 6 thi thể nạn nhân trong các đám cháy. Theo cảnh sát trưởng hạt Butte Kory Honea, các nỗ lực tìm kiếm nạn nhân và cứu hộ vẫn tiếp tục được tiến hành.
Tính đến thời điểm hiện tại, đám cháy rừng tại bang miền Tây này đã thiêu rụi hơn 7.000 ngôi nhà và tòa nhà, trong đó thiệt hại lớn nhất là thị trấn Paradise, nơi sinh sống của 27.000 cư dân. Trước đó, ông Kory Honea thông báo hiện vẫn còn 228 người trong danh sách mất tích và văn phòng cảnh sát trưởng đang nỗ lực xác định số phận của gần 1.300 người đã được người thân thông báo tìm kiếm.
Chỉ trong vòng một ngày, đám cháy ở phía Bắc bang California đã thiêu rụi thêm 4.000 ha, nâng tổng diện tích bị thiệt hại do đám cháy này gây ra lên tới 50.500 ha. Tuy nhiên, lực lượng cứu hỏa mới chỉ khống chế được 35% diện tích đám cháy.
Kể từ khi các đám cháy bùng phát hồi giữa tuần trước, hơn 6.500 ngôi nhà và 260 cơ sở kinh doanh bị thiêu rụi. Hơn 15.000 công trình kiến trúc vẫn đang có nguy cơ bị đe dọa, trong khi khói dày đặc cản trở tầm nhìn.
Hơn 5.100 nhân viên cứu hỏa đã được huy động để dập tắt các đám cháy, được xem là tồi tệ nhất trong lịch sử bang California. Theo cơ quan cứu hỏa, nhiều nguy cơ, kết hợp với những khó khăn về địa hình ở một số khu vực đã gây ảnh hưởng tới nỗ lực dập tắt các đám cháy.
“Các đám cháy vẫn chưa được khống chế, khó khăn vẫn ở phía trước” - ông Mark Lorenzen, người đứng đầu cơ quan cứu hỏa hạt Ventura cho biết. “Chúng tôi yêu cầu người dân hãy cảnh giác, chú ý theo dõi các phương tiện truyền thông. Chúng tôi sẽ thông báo thường xuyên diễn biến tình hình và đưa ra cảnh báo sơ tán khi cần thiết.”
Xa hơn về phía Nam, các đám cháy đã thiêu rụi 39.300 ha gần Los Angeles và làm ít nhất 2 người chết, hủy hoại hơn 400 công trình kiến trúc và khiến 200.000 người mất nhà cửa.
Cho đến tối 13/11, lực lượng cứu hỏa mới khống chế được khoảng 40%. Các đám cháy tại đây bùng phát hồi giữa tuần trước gần thị trấn Thousand Oaks và nhanh chóng lan rộng về phía Nam. Đến cuối tuần trước, đám cháy đã lan tới khu nghỉ dưỡng nổi tiếng Malibu. Gần 3.600 lính cứu hỏa đã được huy động.
Tổng thống Donald Trump đã thông qua việc ban bố tình trạng thảm họa tại khu vực này để triển khai sự hỗ trợ của liên bang tại những địa điểm bị “giặc lửa” hoành hành.
“Tôi muốn cảm ơn lực lượng cứu hỏa, cơ quan quản lý khẩn cấp liên bang, những người phản ứng đầu tiên sau các vụ cháy rừng, vì sự dũng cảm đáng kinh ngạc của họ khi đối mặt với nguy hiểm” – ông Trump nói. “Hôm 12/11 vừa qua, tôi đã ký tuyên bố thảm họa tại California để hỗ trợ và bảo vệ công dân của chúng ta trong tình huống nguy hiểm.”
Trong 3 tháng qua, tại bang California liên tục xảy ra các vụ cháy rừng nghiêm trọng trên diện rộng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Các chiến dịch kiểm soát cháy rừng gặp nhiều trở ngại do tiết trời khô nóng và gió mạnh vào mùa Hè. Theo Cơ quan dự báo khí tượng, khu vực này sẽ không có mưa ít nhất cho tới tuần sau./.Cháy rừng “như tận thế” ở California (Mỹ) làm hàng nghìn người sơ tán