Sau những tuyên bố tiếp nhận người tị nạn, có thêm nhiều nước châu Âu bắt đầu đưa ra các biện pháp mạnh tay nhằm hạn chế dòng người nhập cư đang tiếp tục đổ vào châu lục này. 

Khi cuộc khủng hoảng tị nạn nổ ra, Hungary đối mặt với nhiều chỉ trích khi dựng hàng rào thép gai để ngăn chặn dòng người nhập cư. Tuy nhiên, một số nước bắt đầu đề cập việc sử dụng biện pháp này để kiểm soát dòng người nhập cư tiếp tục gia tăng.

nguoi_ti_nan_wqnp.jpg
Người tị nạn đi tàu đến một ngôi làng của Slovenia và tiến về phía biên giới với Áo (Ảnh Reuters).

Quốc hội Slovenia sáng nay (21/10) thông qua dự luật cho phép quân đội có nhiều quyền hơn để giúp đỡ cảnh sát bảo vệ các đường biên giới của bang, khi hàng nghìn người di cư đang đổ về nước này từ Croatia, sau khi Hungary đóng cửa biên giới. Luật mới sẽ cho phép các binh lính kiểm soát biên giới khi không có sự hiện diện của cảnh sát. 

Phát biểu sau cuộc gặp với người đứng đầu châu Âu, Tổng thống Slovenia Borut Pahor bày tỏ tin tưởng rằng Ủy ban châu Âu sẽ thông qua yêu cầu của Slovenia triển khai thêm các đơn vị cảnh sát và sự hỗ trợ tài chính. Ông nói: "Trong các cuộc đối thoại với chủ tịch Ủy ban châu Âu và Hội đồng châu Âu,  tôi đề cập đến khả năng khi Slovenia yêu cầu triển khai thêm cảnh sát từ các nước Liên minh châu Âu đến biên giới Slovenia- CroatiaTôi hi vọng Ủy ban châu Âu  sẽ thông qua yêu cầu này, cũng như yêu cầu trợ giúp bổ sung tài chính”.

Bộ trưởng Nội vụ Slovenia cũng nêu lên khả năng thành lập các lá chắn an ninh dọc biên giới phía đông nam nước này với Croatia nếu số người nhập cư tiếp tục tăng.

Tổng thống Croatia Kolinda Grabar Kitarovic cuối tuần qua không bác bỏ khả năng dựng hàng rào tương tự như Hungary để kiểm soát dòng người di cư. Tổng thống Grabar Kitarovic nhấn mạnh, mọi nước đều phải bảo vệ biên giới của mình. Hàng rào của Hungary không chống lại bất cứ ai. Mặc dù Croatia không muốn áp dụng biện pháp này nhưng cũng không bác bỏ khả năng này để thắt chặt việc kiểm soát biên giới. 

Các cơ quan nhân đạo Liên Hợp Quốc hôm qua cho biết, khoảng 2.500 người đang bị mắc kẹt tại cửa khẩu biên giới giữa Serbia và Croatia, đối mặt với thời tiết lạnh và các điều kiện khó khăn. Một điều phối viên của Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn Niklas Storeup Agerup cho biết: “Hungary đã đóng cửa biên giới với Croatia khiến cửa khẩu này trở thành nút thắt cổ chai. Nhiều người đang bị mắc kẹt tại đây bởi vì ít người được tiếp nhận”.

Chính phủ Áo thông báo sẽ tăng cường các hoạt động kiểm soát biên giới từ nay đến ngày 4/11 tới, do dòng người tị nạn vẫn đang không ngừng đổ về nước này, trong khi Cộng hòa Séc phê chuẩn  triển khai 50 cảnh sát tới Hungary, nhằm tăng cường bảo vệ vành đai biên giới Schengen giữa Hungary và Serbia- nơi đang chịu sức ép từ cuộc khủng hoảng người nhập cư hiện nay.

Các nước châu Âu bắt đầu đưa ra biện pháp ngăn chặn dòng người nhập cư, khi một số nước  bắt đầu chịu tác động của việc số lượng lớn người nhập cư đang đổ vào nước này. Thực tế điều này có thể thấy rõ nhất tại Đức- quốc gia đầu tàu trong việc thông báo tiếp nhận thêm người tị nạn. 

Chính sách của Thủ tướng Đức Angela Merkel với cuộc khủng hoảng người tị nạn không chỉ khiến tỷ lệ ủng hộ liên đảng bảo thủ của bà tiếp tục giảm sút, mà còn gây nên sự chia rẽ nghiêm trọng trong nội bộ đảng cầm quyền. Đức gần đây cũng phải gia hạn các biện pháp kiểm soát biên giới để ngăn chặn dòng người nhập cư ở mức gần như không thể kiểm soát. 

Tổng thống Croatia cũng nhấn mạnh mong muốn chung tay giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư, nhưng nước này vừa mới bước ra khỏi suy thoái và tỉ lệ thất nghiệp cũng cao, nên sự hỗ trợ của Croatia cũng chỉ có giới hạn.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon hôm qua tuyên bố cuộc khủng khoảng người tị nạn hiện nay không chỉ của riêng châu Âu mà là một vấn đề toàn cầu. Ông Ban Ki Moon hy vọng các nhà lãnh đạo sẽ tìm ra những giải pháp toàn diện hơn cho vấn đề trên tại hội nghị cấp cao Âu- Phi dự kiến diễn ra ở Malta trong tháng 11 tới./.