Đó là vì người Palestine đang phải khắc phục hậu quả của 3 ngày đụng độ ở biên giới với Israel và một loạt cắt giảm tài chính, bao vây kinh tế từ bên ngoài.
Cảnh đổ nát ở Gaza sau khi bị Israel không kích |
Tháng lễ Ramadan là dịp để các tín đồHồi giáothực hành tín ngưỡng, cầu nguyện cho sự ấm no, yên bình cũng như các hoạt động vui chơi, dự tiệc lúc mặt trời lặn. Tuy nhiên, năm nay, sự chuẩn bị và các hoạt động ăn mừng càng trở nên sa sút do cư dân ở dải đất này vừa trải qua 3 ngày đụng độ trên biên giới với phía Nam Israel. Các cuộc không kích của Israel đã san phẳng nhiều tòa nhà. Ít nhất 20 người Palestine thiệt mạng trong khi Israel cũng có 4 dân thường thiệt mạng do các vụ bắn tên lửa, rocket từ Gaza.
Trước thời điểm xảy ra vụ bạo lực mới nhất này, gần 2 triệu người Palestine ở Dải Gaza đang sống trong điều kiện kinh tế kiệt quệ sau nhiều năm chịu lệnh bao vây, cấm vận của Israel và Ai Cập. Thêm vào đó là nước ngoài cắt viện trợ, và thậm chí cư dân Gaza phải chịu ảnh hưởng do chính quyền Palestine ở Bờ Tây áp đặt các lệnh trừng phạt nhắm vào Hamas.
Một số cư dân ở dải Gaza cho biết: “Nhiều năm bị phong tỏa nên tình hình kinh tế không tốt, tình hình chính trị cũng tồi tệ. Tháng lễ Ramadan đến khi mà người dân chúng tôi đối mặt với rất nhiều khó khăn. Vụ bạo lực mới nhất càng làm cho đời sống của chúng tôi thêm cơ cực và đây không phải là bầu không khí cho tháng lễ Ramadan. Không hề có sự chuẩn bị hay hoạt động ăn mừng chứng tỏ đây là tháng lễ Ramadan”.
“Về bầu không khí tháng lễ Ramadan , đáng tiếc là ngày hôm qua, chúng tôi đang tổ chức ăn mừng và thì kẻ thù đã phá hủy tất cả, họ hủy hoại tháng lễ này. Chúng tôi không hề có cảm giác đây là tháng lễ Ramadan và không hề có dấu hiệu đó tại đây”.
Video: Kho rocket nghi của Hamas nổ tung khi bị Israel không kích
Nguồn tài trợ quốc tế bị cắt giảm mạnh và gần đây nhất vào tháng 2, Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ thông báo sẽ ngưng mọi khoản hỗ trợ cho Dải Gaza và Bờ Tây. Israel cũng thông báo cắt giảm 5% trên tổng số 190 triệu USD tiền thuế chuyển giao cho chính quyền Palestine mỗi tháng. Ngân hàng Thế giới cho biết, nếu những vấn đề tài chính vừa nêu không sớm được giải quyết, thâm hụt tài chính của Palestine sẽ vượt 1 tỷ USD năm 2019, gây sức ép hơn nữa cho nền kinh tế. Hơn nữa, chính quyền Palestine sẽ không còn tiền để trả lương cho lao động công chức.
Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas nói: “2 tháng qua, chúng tôi thanh toán 50% lương cho nhân viên lao động làm trong lĩnh vực công, nhưng họ vẫn còn có thể chịu đựng được. Trong tháng này, do là tháng lễ Ramadan, chúng tôi đã cố gắng hết sức để nâng lương nhưng cũng chỉ có thể chi trả được 60% lương và không biết những tháng tiếp theo sẽ ra sao”.
Do thiếu ngân sách cấp cho y tế, 1.700 người bị lực lượng Israel bắn trong các vụ đụng độ và biểu tình có thể không được điều trị mà bị thương tật vĩnh viễn. Liên Hợp Quốc đang kêu gọi quốc tế đóng góp 20 triệu USD để bù đắp lỗ hổng thiếu hụt này.
Tổ chức Giải phóng Palestine PLO tuyên bố Israel cần phải chịu trách nhiệm về các cuộc xung đột thường xuyên xảy ra ở Dải Gaza cũng như khủng hoảng nhân đạo tại đây.
Ngoại trưởng Palestine Riyad al-Maliki ngày 10/5 cáo buộc, Mỹ đang soạn thảo 1 kế hoạch cho sự đầu hàng của người Palestine. Ông cho rằng sáng kiến của Mỹ với tên gọi Thỏa thuận Thế kỷ sau 2 năm soạn thảo dự kiến công bố vào tháng 6 tới không phải là kế hoạch hòa bình, mà là đặt ra các điều kiện đầu hàng và Israel đang có xu hướng biến sự “chiếm đóng tạm thời” thành sự “sáp nhập vĩnh viễn”./.