Dư luận quốc tế tiếp tục bày tỏ quan ngại sâu sắc trước việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trong Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông và có những hành động khiến căng thẳng leo thang. Liên Hợp Quốc và các nước kêu gọi các bên kiềm chế và giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.
Trả lời câu hỏi của phóng viên, người phát ngôn của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, ông Farhan Haq khẳng định: Tổng thư ký Ban Ki-moon bày tỏ quan ngại về tình trạng gia tăng căng thẳng tại Biển Đông giữa Trung Quốc và Việt Nam trong những ngày vừa qua. Tổng thư ký hối thúc các bên liên quan kiềm chế tối đa và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thông qua đối thoại và phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Hiến chương Liên Hợp Quốc.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Ấn Độ ra tuyên bố bày tỏ lo ngại về những diễn biến căng thẳng tại Biển Đông. Tuyên bố nêu rõ: "Ấn Độ đang theo dõi với sự lo ngại về những diễn biến mới đây tại Biển Đông và cho rằng, duy trì hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng trong khu vực là lợi ích sống còn đối với cộng đồng quốc tế. Ấn Độ mong muốn các bên giải quyết vấn đề thông qua các biện pháp hòa bình dựa trên các nguyên tắc đã được thừa nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế”.
Ông Taylor Fravel, Giáo sư Chính trị học tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT, Mỹ), chuyên gia nghiên cứu về các vấn đề lãnh thổ của Trung Quốc, cho rằng, xét về mặt kinh tế, chưa có cơ sở chứng minh khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan có trữ lượng hydrocarbon lớn. Vì thế, hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 với chi phí xây dựng khoảng 1 tỷ USD và chi phí vận hành lớn không phải là một dự án nhiều tiềm năng. Từ đây có thể thấy rằng Trung Quốc sử dụng giàn khoan là nhằm khẳng định và thực thi quyền tài phán đối với các vùng nước mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông.
Đánh giá về cơ sở pháp lý của việc Việt Nam khẳng định Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền lãnh thổ, Giáo sư Fravel khẳng định vị trí Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 nằm trong Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tính từ đường cơ sở. Giàn khoan cách đảo Lý Sơn của Việt Nam 120 hải lý, và vì thế nằm trên thềm lục địa của Việt Nam và nằm hoàn toàn trong Vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam.
Cùng chung đánh giá trên, giáo sư Kumao Kaneko, Giám đốc Viện nghiên cứu chiến lược năng lượng của Nhật Bản cho rằng, việc Trung Quốc đòi hỏi quyền lợi trên gần như toàn bộ biển Đông và cả biển Hoa Đông là điều khó chấp nhận. Nhìn trên bản đồ có thể thấy khu vực mà Trung Quốc đưa giàn khoan vào gần Việt Nam hơn hẳn so với Trung Quốc. Theo giáo sư, Việt Nam rõ ràng có quyền đối với vùng biển này. Nhưng Trung Quốc căn cứ theo luật pháp trong nước để đơn phương tuyên bố toàn bộ các hòn đảo ở biển Đông là của mình. Điều này mâu thuẫn với luật pháp quốc tế.
Để ngăn chặn hành động sai trái của Trung Quốc, giáo sư Kumao Kaneko cho rằng, các nước cần tiếp tục lên tiếng phản đối Trung Quốc và Việt Nam có thể đưa vấn đề này ra Liên Hợp Quốc: “Trung Quốc ít khi để ý lời người khác nói mà toàn hành động đơn phương. Tuy nhiên, dù sao Trung Quốc vẫn phải để ý đến tiếng tăm của mình trên trường quốc tế. Vì vậy, việc các nước cùng nhau phản đối Trung Quốc rất quan trọng. Cần kêu gọi Châu Âu, Bắc Mỹ, Nam Mỹ để tất cả các nước cùng lên tiếng phản đối Trung Quốc. Cũng cần phải đưa vấn đề này ra Liên Hiệp Quốc. Phải nói là tình hình hiện nay rất nguy hiểm”.
Theo giới truyền thông quốc tế, Việt Nam có thể thúc đẩy các thủ tục pháp lý chống lại các tuyên bố chủ quyền vô lý của Trung Quốc để buộc họ phải rút giàn khoan ra khỏi thềm lục địa Việt Nam./.