Nhà phân tích Gregory Poling, một chuyên gia nghiên cứu chính trị Đông Nam Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) trụ sở tại Washington trong một cuộc trả lời phỏng vấn với Hãng PTTH Đức (DW) cho rằng, những diễn biến căng thẳng gần đây ở biển Đông cho thấy, Trung Quốc đang gia tăng lập trường cứng rắn về hàng hải.

tau-trung-quoc-tan-cong.jpg.jpg
Tàu Trung Quốc xịt vòi rồng đầy hung hãn vào tàu chấp pháp của Việt Nam (Nguồn ảnh: Cảnh sát biển Việt Nam)

Lúc 5h22’ ngày 01/5/2014, Cơ quan chức năng Việt Nam phát hiện giàn khoan nước sâu Hai Yang Shi  You 981 (mà Việt Nam vẫn thường gọi là HD981) và 03 tàu dịch vụ dầu khí của phía Trung Quốc di chuyển từ Tây Bắc đảo Tri Tôn (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) xuống phía Nam. Đến 16 giờ ngày 02/5/2014, giàn khoan HD981 được thả trôi tại tọa độ 15o29’55’’ vĩ Bắc – 111o12’06’’ kinh Đông, phía Nam đảo Tri Tôn, sâu vào trong thềm lục địa của Việt Nam 80 hải lý, cách đảo Lý Sơn 119 hải lý, cách bờ biển Việt Nam 130 hải lý. Trung Quốc hạ đặt giàn khoan này để tiến hành thăm dò thềm lục địa của Việt Nam và huy động nhiều tàu bảo vệ đi cùng.

Các tàu của Trung Quốc bao gồm tàu quân sự đã cố tình đâm va vào các tàu thực thi pháp luật, tàu cảnh sát biển và tàu kiểm ngư của Việt Nam đang hoạt động chấp pháp tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, gây thiệt hại về người và tài sản, đã có 6 kiểm ngư viên của Việt Nam bị thương. Theo ông Gregory Poling cho biết, vụ việc có khả năng thắt chặt tình đoàn kết giữa các thành viên ASEAN trước việc Bắc Kinh đang quyết tâm thay đổi hiện trạng tại biển Đông, bất kể các khiếu nại và phản đối của các nước láng giềng.

Cũng theo ông Gregory Poling, vị trí của giàn khoan gây tranh cãi bởi Việt Nam khẳng định giàn khoan đó nằm trong vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, trong khi Trung Quốc không thừa nhận điều này. Trên thực tế, tất cả các bằng chứng cho thấy điều Việt Nam khẳng định là đúng, và hành động đơn phương của Trung Quốc là vi phạm luật pháp và tinh thần của những cam kết quốc tế mà Trung Quốc đã tham gia, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Theo ông Gregory Poling, vụ việc này diễn ra ngay sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa có chuyến thăm 4 nước châu Á vào cuối tháng Tư vừa qua cho thấy, Trung Quốc vẫn giữ lập trường hung hăng trong các tranh chấp biển. Đối với Mỹ, điều này cho thấy Trung Quốc không tin rằng Washington có đủ khả năng thực hiện những điều cần thiết để bảo vệ các đối tác trong khu vực và ngăn chặn sự vùng dậy của Trung Quốc. Đối với cộng đồng quốc tế nói chung, động thái này là một thách thức nữa đối với thứ tự mang tính nền tảng chung trên toàn cầu như Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) và cac Luật tục quốc tế.

Trả lời câu hỏi với động thái này, Trung Quốc muốn truyền tải thông điệp gì tới các nước láng giềng?, ông Gregory Poling cho rằng: Tiếp theo những hành động khiêu khích của Trung Quốc vào đầu năm nay tại vùng bãi ngầm James với Malaysia và vùng bãi Cỏ Mây với Philippines, động thái mới này cho thấy Bắc Kinh đang quyết tâm thay đổi hiện trạng tại Biển Đông, bất chấp sự lên án của các nước láng giềng, ngay cả khi những nước này có thể đưa vụ việc tới trọng tài quốc tế hoặc kêu gọi sự can dự của Mỹ.

Ông Gregory Poling hy vọng vụ việc này sẽ củng cố tình đoàn kết và nhận thức về mối đe dọa chung đối với đa số các quốc gia ASEAN, đặc biệt là tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN được tổ chức tại Myanmar vào cuối tuần này./.