Liên Hợp Quốc và nhiều nước đang nỗ lực giúp Nam Sudan, quốc gia non trẻ nhất thế giới tránh một cuộc nội chiến trong bối cảnh xung đột đang leo thang nghiêm trọng tại nước này.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc dự kiến hôm nay 24/12 (theo giờ Mỹ) bỏ phiếu thông qua một dự thảo nghị quyết tăng thêm lực lượng cho Phái bộ Liên Hợp Quốc tại Nam Sudan. Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir cũng tuyên bố sẵn sàng đối thoại một cách vô điều kiện với cựu Phó Tổng thống Riek Machar nhằm chấm dứt tình trạng bạo lực hiện nay.
Phiến quân ở Nam Sudan (ảnh: NationalTurk) |
Phát biểu trước Quốc hội hôm qua (23/12), Tổng thống Salva Kiir bày tỏ sự cảm ơn đối với các Bộ trưởng đã ủng hộ ông trong nỗ lực ngăn chặn cuộc xung đột, đồng thời lấy làm tiếc vì người dân Nam Sudan không thể đón một kỳ nghỉ Giáng sinh an bình như những năm trước.
“Tôi chúc mừng tất cả người dân nhân dịp Giáng sinh và Năm mới,” Tổng thống Kiir nói. “Song, lễ Giáng sinh năm nay không được vui vẻ trọn vẹn như những năm trước, bởi chúng ta đón Giáng sinh khi mà nhiều người đã bị thiệt mạng trong cuộc xung đột hiện nay. Chúng ta đang bị phá hoại bởi các thế lực ham muốn quyền lực và muốn giành quyền lực thông qua một cuộc đảo chính”.
Trong bối cảnh xung đột leo thang tại Nam Sudan, Liên Hợp Quốc và nhiều nước đang cân nhắc đưa thêm binh sỹ tới nước này. Hội đồng Bảo an cũng tiến hành các cuộc tham vấn khẩn cấp về tình hình Nam Sudan để xem xét những đề nghị của ông Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon về việc tăng thêm binh sỹ gìn giữ hòa bình tới Nam Sudan.
Phát biểu với báo chí tại trụ sở Liên Hợp Quốc, Đại sứ Pháp tại Liên Hợp Quốc Gerard Araud cho biết: “Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đã gửi một bức thư khuyến nghị Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc triển khai thêm 5.500 binh sĩ và 423 cảnh sát để tăng cường cho Phái bộ Liên Hợp Quốc tại Nam Sudan. Mỹ đã soạn thảo một nghị quyết về vấn đề này và đã nhận được phản ứng tích cực của các thành viên Hội đồng Bảo an. Văn kiện này đang được thảo luận và dự kiến sẽ được bỏ phiếu thông qua hôm nay”.
Giới chức Mỹ cũng cho biết, quân đội nước này đã triển khai khoảng 150 lính thủy đánh bộ tới một căn cứ ở vùng Sừng châu Phi để sẵn sàng cho khả năng tiến hành các đợt sơ tán công dân Mỹ tiếp theo khỏi quốc gia châu Phi này. Theo đó, nhóm phản ứng nhanh thuộc lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ đã được điều từ Căn cứ Không quân Moron tại Tây Ban Nha tới một căn cứ thủy quân lục chiến ở Djibouti, qua đó cho phép Mỹ có thể triển khai quân tới Nam Sudan nhanh hơn một khi được yêu cầu.
Xung đột leo thang tại Nam Sudan có nguy cơ đẩy nước này rơi vào một cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng khi hàng trăm người đã thiệt mạng và hơn 20.000 người đã phải sơ tán khỏi thủ đô Juba kể từ khi bạo lực bùng phát hơn một tuần qua. Trước tình hình này, Ủy ban châu Âu hôm qua thông báo cung cấp 50 triệu euro viện trợ nhân đạo cho Nam Sudan. Ai Cập cũng quyết định cử một đặc phái viên đến Nam Sudan trong nỗ lực giúp chính phủ nước này thu hẹp khoảng cách với lực lượng nổi dậy ủng hộ cựu Phó Tổng thống Riek Machar, vốn giao tranh dữ dội với quân đội chính phủ trong những ngày gần đây, đồng thời xem xét triển khai các biện pháp hỗ trợ nhân đạo cho người dân Nam Sudan đang phải sơ tán do bạo lực.
Căng thẳng leo thang ở Nam Sudan kể từ tháng 7, khi Tổng thống Salva Kiir cách chức phó Tổng thống Machar và toàn bộ nội các. Động thái này châm ngòi cho căng thẳng giữa cộng đồng Dinka của ông Salva Kiir và cộng đồng Nuer của ông Machar. Số người thiệt mạng, gồm binh sĩ và cả dân thường, đến nay đã lên tới hàng trăm. Nam Sudan là quốc gia trẻ nhất thế giới, khi mới giành độc lập từ Sudan cách đây hai năm sau sau cuộc nội chiến kéo dài 2 thập kỷ, làm 2 triệu người thiệt mạng./.