Trong bối cảnh cuộc xung đột tại Nam Sudan ngày càng diễn biến phức tạp, Mỹ và Liên Hợp Quốc đang triển khai nhiều biện pháp để ứng phó với tình hình tại quốc gia trẻ nhất thế giới này.
Binh sĩ Mỹ được triển khai tới Nam Sudan để sơ tán công dân và bảo vệ các cơ sở của Mỹ ở quốc gia 2 tuổi này (Ảnh: Washingtonpost) |
Trả lời phỏng vấn hãng tin CNN ngày 23/12 (theo giờ Việt Nam), hai quan chức quân sự cấp cao của Mỹ cho biết, khoảng 150 lính thủy quân lục chiến đã sẵn sàng tiến vào Nam Sudan nhằm giúp sơ tán các công dân Mỹ và đảm bảo an ninh cho Đại sứ quán Mỹ tại quốc gia đang rơi vào tình trạng hỗn loạn này.
Giới chức quân sự Mỹ xác nhận, số binh sỹ này đang được điều chuyển từ Tây Ban Nha đến châu Phi và phần lớn trong số đó chắc chắn sẽ được triển khai tại Djibouti. Ước tính 100 công dân Mỹ có mặt tại Nam Sudan, nơi bạo lực liên tiếp đang làm dấy lên những lo ngại về một cuộc nội chiến toàn diện.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, ngày 22/12, tất cả số người Mỹ tự đến trình diện tại một căn cứ của Liên Hợp Quốc ở thị trấn điểm nóng Bor đã được sơ tán an toàn. Trong một tuyên bố, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki khẳng định, Chính phủ Mỹ đang làm tất cả mọi thứ có thể để đảm bảo an toàn và an ninh cho các công dân Mỹ ở Nam Sudan. Theo bà Psaki, Mỹ cũng đang phối hợp với các đồng minh trên thế giới để chuyển tiếp và sơ tán công dân Mỹ tại Nam Sudan nhanh và an toàn nhất có thể.
Liên Hợp Quốc cho biết, có đến 40.000 dân thường đã trú ẩn trong các căn cứ của tổ chức đa phương lớn nhất thế giới này ở Nam Sudan. Liên Hợp Quốc ước tính, khoảng 62.000 người đã phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn, khi bạo lực đang ảnh hưởng đến 5 trong tổng số 10 bang của Nam Sudan.
Trong một thông điệp gửi người dân Nam Sudan hôm qua, Tổng Thư ký Ban Ki-moon khẳng định, Liên Hợp Quốc đã sát cánh cùng người dân Nam Sudan trên con đường tiến tới độc lập và sẽ tiếp tục sát cánh với họ. Tình hình hiện tại đang gây ra những lo ngại lớn và ngày càng tăng, Tổng Thư ký Ban Ki-moon kêu gọi các nhà lãnh đạo khu vực và lãnh đạo các nước khác tăng cường ủng hộ Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc tại Nam Sudan (UNMISS), cũng như ủng hộ các nỗ lực chính trị để tháo ngòi nổ cho cuộc khủng hoảng.
“Tôi sẽ gửi thư cho Hội đồng Bảo an bao gồm những đề xuất tăng cường khả năng bảo vệ của UNMISS bằng cách tăng cường binh sỹ, cảnh sát và trang thiết bị hậu cần. Chúng tôi đang sẵn sàng tiếp cận với các nước để giúp đáp ứng những đòi hỏi mới. Chúng tôi cũng đang tìm kiếm sự trợ giúp từ các phái bộ gìn giữ hòa bình khác, song không làm giảm khả năng ứng phó của phái bộ với các mối đe dọa tại nơi họ hoạt động”, ông Ban Ki-moon nói.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đồng thời nhấn mạnh, các nước láng giềng cần hành động mang tính xây dựng và kiềm chế bất kỳ hành động nào gây chia rẽ hơn nữa ở Nam Sudan./.