1. Quân đội Hàn Quốc cho biết, Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo vào ngày 15/4 nhân dịp sinh nhật người sáng lập nhà nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên Kim Nhật Thành.
Tên lửa Triều Tiên trong một cuộc diễu binh. (Ảnh: AFP) |
Trước đó đã có nhiều tin tức về việc Triều Tiên chuẩn bị cuộc thử nghiệm đầu tiên đối với tên lửa Musudan tầm trung và cơ động. Tên lửa này được cho là có khả năng đánh trúng căn cứ Mỹ ở đảo Guam.
Các tham mưu trưởng Hàn Quốc ra thông cáo nói: “Miền Bắc (tức Triều Tiên – ND) có vẻ như đã nỗ lực thực hiện một vụ thử tên lửa gần bờ biển phía đông vào sáng sớm ngày 15/4, nhưng vụ thử có dấu hiệu đã thất bại”.
Thông cáo của quân đội Hàn Quốc không nêu rõ loại tên lửa nhưng hãng tin Yonhap của nước này trích dẫn một quan chức quân sự không nêu tên cho biết đó là một quả tên lửa Musudan.
Ngay sau khi có thông tin này, truyền thông Trung Quốc, giới chức Mỹ và Nhật Bản đã lên tiếng bày tỏ quan ngại khi cho rằng, động thái này của Triều Tiên có thể làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.
“Vụ thử tên lửa của Triều Tiên thất bại đúng sinh nhật Kim Nhật Thành”
2.Cũng liên quan đếnTriều Tiên, hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc dẫn thông tin của Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 15/4 cho biết, Triều Tiên đã thăng cấp cho Đại tướng Ri Myong-su, Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Triều Tiên (KPA), lên thành Phó nguyên soái.
Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Triều Tiên Ri Myong-su (người được khoanh tròn). (Ảnh: NK News) |
Cũng theo KCNA, nhân dịp này, Triều Tiên đã trao tặng danh hiệu Nguyên soái cho hai tướng lĩnh cấp cao của KPA là các ông Kim Yong-chun, 80 tuổi, và Hyon Chol-hae, 82 tuổi.
Bản tin của KCNA cho biết, việc thăng cấp cho các tướng lĩnh này được tiến hành để ghi nhận những đóng góp to lớn của các ông trong việc thiết lập hệ thống lãnh đạo vững chắc của Đảng Lao động Triều Tiên.
Tổng tham mưu trưởng quân đội Triều Tiên được thăng cấp
3.Chiều qua (14/4 theo giờ Hà Nội),Tổng thống Nga Vladimir Putinđã tiến hành cuộc đối thoại trực tiếp qua truyền hình với người dân. Đây là lần đối thoại trực tuyến thứ 14 của ông Putin với người dân Nga, cả trên cương vị Tổng thống lẫn Thủ tướng.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: RT) |
Trong hơn 3 giờ đồng hồ đối thoại, Tổng thống Putin đã trả lời trực tiếp khoảng 80 câu hỏi trong số hơn 3 triệu câu hỏi được gửi đến qua hệ thống tiếp nhận thông tin hoạt động trong vòng 1 tuần qua và nêu tại cuộc đối thoại.
Những vấn đề về đời sống, an sinh – xã hội, về các vấn đề của đất nước vẫn là những chủ đề được người dân Nga quan tâm và gửi nhiều câu hỏi nhất. Liên quan đến các vấn đề quốc tế, người Nga chủ yếu quan tâm đến quan hệ Nga – Tây Âu và cuộc cấm vận kinh tế, quan hệ Nga – Mỹ, Nga – Thổ Nhĩ Kỳ, Nga – Ukraine…
Cuộc đối thoại trực tuyến với người dân năm nay của Tổng thống Putin diễn ra trong bối cảnh nước Nga vẫn đang phải đối mặt với không ít khó khăn thách thức cả trong nước và quốc tế, vì vậy được dư luận hết sức quan tâm. Những câu trả lời của ông Putin được đánh giá là đã làm hài lòng người dân Nga.
Ông Putin nhận được 3 triệu câu hỏi trong cuộc đối thoại trực tuyến
4.AFP dẫn lời ông Carter phát biểu tại Philippines ngày 15/4 rằng: “Vào cuối ngày hôm nay, tôi sẽ lên tàu sân bay USS John C. Stennis thị sát tình hìnhBiển Đôngsau khi một số thủy thủ và lính thủy đánh bộ trên tàu kết thúc cuộc tập trận Balikatan với Philipines”.
Tàu sân bay USS John C. Stennis của Mỹ từng thực hiện nhiệm vụ ở Biển Đông. (Ảnh: navydads) |
Việc ông Carter có mặt trên tàu sân bay USS John C. Stennis là động thái mới nhất của Mỹ thể hiện cam kết duy trì an ninh trên Biển Đông, nơi Trung Quốc đã tiến hành xây dựng trái phép nhiều công trình quân sự ở các đảo mà nước này cải tạo phi pháp tại đây.
Trước đó, ngày 14/4, ông Carter nhấn mạnh rằng, Mỹ sẽ tiến hành các cuộc tuần tra Hải quân chung với Philippines ở Biển Đông và bày tỏ lo ngại về hành động “cải tạo đảo” và “quân sự hóa” khu vực của Trung Quốc. Ngoài ra, ông Carter cho biết, Mỹ sẽ điều hàng trăm binh sĩ cùng 5 tàu chiến tới Philippines.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lên hàng không mẫu hạm thị sát Biển Đông
5.Phát biểu với tờ Financial Times ngay khi đặt chân đến Trung Quốc ngày 15/4, Thủ tướng Turnbull nhấn mạnh, Australia sẽ không thay đổi quan điểm của mình về vấn đề Biển Đông và sẽ không chọn lựa giữa mối quan hệ về kinh tế với Trung Quốc và mối quan hệ đồng minh với Mỹ.
Ông Turnbull có chuyến thăm Trung Quốc lần đầu tiên sau khi trở thành Thủ tướng Australia. (Ảnh: Sydney Morning Herald) |
Thủ tướng Turnbull nhấn mạnh, các bên có tranh chấp ở Biển Đông cần giải quyết bất đồng một cách hòa bình và tuân thủ luật pháp quốc tế. Theo ông Turnbull, vấn đề Biển Đông đã được ông đề cập với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong cuộc gặp sáng 15/4 và sẽ được ông nêu lại trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tối cùng ngày.
Chuyến thăm Trung Quốc của ông Turnbull diễn ra trong bối cảnh truyền thông Trung Quốc đã phát đi cảnh báo rằng, mối quan hệ Trung Quốc- Australia sẽ bị tổn hại nếu Australia không chịu “dịu giọng” trong vấn đề Biển Đông./.“Australia không cần phải chọn Mỹ hay Trung Quốc” về vấn đề Biển Đông