1.Theo RT, vụ tai nạn xảy ra sáng 19/3 khi chiếc máy bay này từ Dubai đến Nga và đang chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay tại thành phố Rostov-on-Don.
Đài kiểm soát không lưu và giới chức thành phố Rostov-on-Don xác nhận, chiếc Boeing 737-800 này đã rơi ngay gần đường băng sau khi tìm cách hạ cánh lần thứ 2 trong điều kiện tầm nhìn bị hạn chế.
“Theo thông tin ban đầu, chiếc máy bay Boeing 737-800 đã rơi cách đường băng khoảng 50-100m do điều kiện tầm nhìn bị hạn chế”, một nguồn tin cho biết.
Theo Bộ Tình trạng khẩn cấp, toàn bộ 55 hành khách là người Nga và 7 phi hành đoàn, bao gồm một số người nước ngoài, trên máy bay đều đã thiệt mạng.
Hiện các nhân viên cứu hộ đang có mặt tại hiện trường và đã dập tắt được đám cháy do vụ rơi máy bay gây ra. Sân bay vẫn đang bị đóng cửa.
Theo thông tin từ LifeNews, chiếc máy bay này không thể hạ cánh lần đầu và buộc phải thử tìm cách hạ cánh một lần nữa. Tuy nhiên, trong lần thứ 2, đuôi của chiếc máy bay này đã quệt xuống đường băng khiến chiếc máy bay rơi và bốc cháy.
Hãng Flydubai đã xác nhận về “vụ tai nạn liên quan đến chiếc máy bay mang số hiệu FZ981 bay từ Dubai đến Rostov On Don”. “Chúng tôi sẽ điều tra chi tiết về vụ việc và sẽ thông báo ngay khi có thông tin”, hãng Flydubai thông báo.
Clip máy bay rơi tại Nga, 62 người thiệt mạng
2. Thủ tướng Bỉ Michel và Tổng thống Pháp Hollande ngày 18/3 xác nhận 3 kẻ tình nghi đã bị bắt giữ sau vụ truy quét của cảnh sát tại quận Molenbeek, Bỉ.
Trong số 3 nghi phạm có Salah Abdeslam – kẻ bị truy nã gắt gao nhất sau vụ tấn công khủng bố tại Paris vào tháng 11/2015.
Cảnh sát đặc nhiệm Bỉ trong đợt bố ráp tên Salah Abdeslam và đồng bọn. Ảnh AP |
Thủ tưởng Bỉ Michel đánh giá cao những nỗ lực của lực lượng an ninh nước này trong việc truy tìm thủ phạm: “Lực lượng an ninh đã tiến hành một chiến dịch truy quét cẩn thận, chuyên nghiệp và đầy khó khăn, mang lại những kết quả quan trọng trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố.
Kết quả này cũng rất quan trọng trong cuộc đấu tranh vì nền dân chủ, cũng như đối với các giá trị mà chúng ta đang muốn tôn vinh nhằm chống lại hình thức truyền bá những tư tưởng cực đoan”.
Salah Abdeslam- nghi can vụ khủng bố Paris - sa lưới như thế nào?
3.Tổng thống Vladimir Putin ngày 18/3 có chuyến thăm Crimea, tròn 2 năm sau sự kiện bán đảo này sáp nhập vào Nga theo kết quả trưng cầu ý dân.
Trong chuyến thăm, ông Putin đã dừng chân trên đảo Tuzla để đánh giá các bước tiến về dự án xây cầu trị giá 3 tỉ USD nối Nga với Crimea.
Người dân Moscow ăn mừng sự kiện 2 năm Crimea sáp nhập trở lại Nga. Ảnh AP |
Tổng thống Putin cho rằng, việc xây dựng cầu nên được hoàn thành vào tháng 12/2018 và đường nối trực tiếp đầu tiên tới bán đảo này sẽ rất cần thiết cho việc thúc đẩy nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn của Crimea.
Ông Putin cũng cho biết, một đường cáp điện ngầm dưới biển giúp giảm sự phụ thuộc điện của bán đảo này vào Ukraine, có thể hoạt động đầy đủ vào tháng 5 tới.
Nhân sự kiện này nhiều hoạt động kỉ niệm cũng được tổ chức trên bán đảo Crimea hôm nay, đặc biệt tại khu vực xung quanh quảng trường trung tâm thành phố Simferopol.
Tổng thống Putin cam kết xây cầu nối liền Crimea với Nga
4.Dưới sự yểm trợ của Không quân Nga, quân đội Syria ngày 19/3 đã tiến vào thành phố cổ Plamyra nhằm chiếm lại thành phố này từ tay IS.
Hãng Thông tấn Quốc gia Syria (SANA) cho biết, nhiều tay súng của IS đã thiệt mạng hoặc bị thương nặng sau các loạt pháo kích của quân đội Syria.
Binh sĩ Syria trên đường tiến về Palmyra. Ảnh AP |
Bộ Quốc phòng Nga cũng xác nhận các chiến đấu cơ của nước này đã thực hiện rất nhiều cuộc không kích dữ dội vào Palmyra và các vùng lân cận để hỗ trợ quân đội Syria. Trung tướng Sergei Rudskoi cho biết, Nga đã tiến hành từ 20-25 đợt không kích/ngày nhằm hỗ trợ quân Chính phủ Syria.
“Nếu quân Chính phủ Syria duy trì được mức độ tấn công như hiện nay, họ có thể chiếm lại Palmyra chỉ trong vòng vài ngày”, quan sát viên Osama al-Khatib- một người được sinh ra ở Palmyra nhưng đang sinh sống tại Thổ Nhĩ Kỳ- cho biết.
5. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 18/3 tiến hành họp khẩn về vấn đề Triều Tiên, lên án mạnh mẽ việc nước này tiến hành phóng tên lửa đạn đạo tầm trung trước đó cùng ngày, đồng thời hối thúc Triều Tiên kiềm chế các hành động có thể làm leo thang căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
Một vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Ảnh Reuters |
Trong tuyên bố đưa ra sau cuộc họp, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc "bày tỏ lo ngại sâu sắc" về vụ phóng tên lửa đạn đạo mới đây của Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, cho rằng, những hành động này là không thể chấp nhận và vi phạm rõ ràng các nghị quyết của Liên Hợp Quốc , đặt ra mối đe dọa đối với nền an ninh trong khu vực và trên thế giới.
Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc Abraao Gaspar Martins nói: “Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã ra thông cáo lên án mạnh mẽ và bày tỏ quan ngại sâu sắc đối với các vụ thử tên lửa mới đây của Triều Tiên. Chúng tôi sẽ làm việc nghiêm túc về việc tuân thủ nghị quyết thông qua hồi đầu tháng 3 về các biện pháp trừng phạt Triều Tiên”.
Cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc được tiến hành theo yêu cầu của Mỹ sau khi Triều Tiên trước đó cùng ngày đã bắn ít nhất 1 tên lửa đạn đạo tầm trung từ khu vực phía Tây Nam nước này. Phía Hàn Quốc cũng nghi ngờ Triều Tiên bắn thêm một tên lửa nữa ngay sau đó.
Triều Tiên đã sẵn sàng cho một vụ thử hạt nhân mới