1.RTdẫn tuyên bố từ điện Kremlin cho biết, ngày 14/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống mới đắc cử của Mỹ Donald Trump đã có cuộc điện đàm đầu tiên.
Tổng thống đắc cử của Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: AP) |
Trong cuộc điện đàm này, ông Putin và ông Donald Trump nhất trí chia sẻ quan điểm chung về "nỗ lực đoàn kết trong cuộc chiến chống kẻ thù chung số một là chủ nghĩa khủng bố quốc tế và chủ nghĩa cực đoan". Hai bên cũng thảo luận về cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syria.
Tổng thống Nga Putin và Tổng thống đắc cử Donald Trump đặc biệt chú ý đến tầm quan trọng của việc thiết lập cơ sở ổn định để phát triển mối quan hệ kinh tế và thương mại song phương, nhất trí hướng tới "sự hợp tác mang tính xây dựng", tuyên bố của Điện Kremlin cho biết.
Cũng theo tuyên bố này, Tổng thống Nga Putin và Tổng thống đắc cử Donald Trump đồng ý giữ liên lạc qua điện thoại và đã thảo luận về ý tưởng tổ chức cuộc gặp giữa hai người.
Ông Putin điện đàm với ông Trump, bàn về quan hệ Nga - Mỹ
2.Tối 14/11, Tổng thống Barack Obamalên đường đến châu Âu và Mỹ la tinh, chuyến công du cuối cùng của ông trước khi rời Nhà Trắng.
Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 14/11 có chuyến công du cuối cùng trước khi rời Nhà Trắng. (Ảnh: Getty) |
Theo Reuters, mục đích chuyến đi tới Đức, Hy Lạp và Peru là để trấn an các đồng minh truyền thống về chính sách đối ngoại của Mỹ sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ.
Cho dù ông Trump đang có nhiều phát ngôn liên quan tới những vấn đề của NATO song ông Obama khẳng định rằng Tổng thống vừa đắc cử của nước Mỹ vẫn sẽ duy trì chính sách đối ngoại ổn định, nhất là quan hệ với những đồng minh truyền thống.
Trước chuyến công du, Tổng thống Obama đã tổ chức buổi họp báo tại Nhà Trắng. Đây là buổi họp báo đầu tiên sau cuộc bầu cử tổng thống kết thúc hôm 8/11 vừa qua.
Trả lời các phóng viên, ông Obama từ chối bình luận về những phát ngôn của Tổng thống đắc cử Donald Trump. Ông Obama hy vọng tổng thống mới đắc cử sẽ có cách tiếp cận phù hợp trong công việc bởi “lãnh đạo một đất nước khác nhiều thời điểm tranh cử”.Ông Obama bắt đầu chuyến công du cuối cùng với nhiều mối lo
3. Liên minh châu Âu (EU) đang bị chia rẽ sâu sắc về việc làm thế nào để giải quyết tình hình hậu đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ.
EU đang bị chia rẽ sâu sắc về vấn đề Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: alaraby) |
Tại cuộc họp Ngoại trưởng các nước EU ở Brussels, Bỉ ngày 14/11, Áo dẫn đầu nhóm các nước kêu gọi dừng đàm phán về tư cách thành viên của Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi một số cường quốc khác trong khối như Anh, Pháp và Đức lại khẳng định ủng hộ duy trì mối quan hệ với quốc gia này.
Trước thái độ không rõ ràng của EU, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ngày 14/11 cho biết, Ankara có thể sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân vào năm tới về việc có tiếp tục các cuộc đàm phán gia nhập Liên minh châu Âu (EU) nữa hay không; đồng thời cảnh báo EU cần đưa ra quyết định rõ ràng về việc kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ vào khối này.
Tuy nhiên trong một thông điệp cứng rắn gửi đến giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ hôm qua (14/11), Cao ủy Liên minh châu Âu phụ trách chính sách An ninh và Đối ngoại Federica Mogherini khẳng định, nỗ lực gia nhập của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tự động kết thúc nếu nước này quyết định khôi phục án tử hình.Thổ Nhĩ Kỳ có thể trưng cầu ý dân về đàm phán gia nhập EU vào năm sau
4. Lãnh đạo Đảng Dân chủ đối lập chính của Hàn Quốc, bà Choo Mi-ae ngày 14/11 đã rút lại đề nghị gặp Tổng thống Park Geun-hye do vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ trong nội bộ đảng này cũng như nhiều chính đảng khác.
Tổng thống Park Geun-hye (phải) và lãnh đạo Đảng Dân chủ đối lập chính Choo Mi-ae trong một cuộc gặp hồi tháng 9 năm ngoái. (Ảnh: Yonhap) |
Trước đó cùng ngày, bà Choo Mi-ae đưa ra đề nghị gặp Tổng thống Park Geun-hye để thảo luận về tình hình chính trị hiện nay ở Hàn Quốc, do vụ bê bối liên quan đến người bạn lâu năm của bà Park Geun-hye gây ra, theo đó hai người sẽ gặp nhau vào chiều ngày 15/11.
Người phát ngôn của Tổng thống Hàn Quốc, Jung Youn-kuk sau đó bày tỏ lấy làm tiếc vì cuộc gặp giữa Tổng thống Park Geun-hye và lãnh đạo đảng Dân chủ đối lập chính Choo Mi-ae đã không thể diễn ra.
Theo ông Jung Youn-kuk, văn phòng Tổng thống vẫn mong muốn tổ chức một cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo này vào bất kỳ thời điểm thích hợp, đồng thời hối thúc đảng đối lập duy trì “thái độ có trách nhiệm” hướng tới bình thường hóa các công việc của nhà nước.Hàn Quốc: Lãnh đạo đảng đối lập sẽ không gặp Tổng thống Park Geun-hye
5. Ủy ban Điều tra Nga ngày 15/11 cho biết, Bộ trưởng Kinh tế Nga Alexei Ulyukayev vừa bị bắt vì bị nghi nhận hối lộ 2 triệu USD liên quan đến một thỏa thuận dầu khí lớn.
Bộ trưởng Kinh tế Nga Alexei Ulyukayev. (Ảnh: Getty) |
Theo nguồn tin, vụ bắt giữ xảy ra đêm 14/11 và ông Alexei Ulyukayev đang bị tạm giữ để chờ các quan chức năng thẩm vấn, trong khi các hoạt động điều tra cần thiết liên quan đang được tiến hành.
Ủy ban điều tra Nga cho biết, ông Ulyukayev bị cáo buộc nhận hơn 2 triệu USD để bật đèn xanh cho một thỏa thuận giúp tập đoàn dầu khí quốc doanh Rosneft mua lại 50% cổ phần của công ty cổ phần dầu khí Basneft với giá trị khoảng 5 tỷ USD hồi tháng trước./.