1. Chưa đầy 24 giờ sau khi kết quả bầu cử Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga được công bố với chiến thắng thuộc về đảng Nước Nga Thống nhất cầm quyền, tờ Kommersant ngày 19/9 đăng tải thông tin cho rằng, Nga đang xúc tiến kế hoạch cải tổ các cơ quan an ninh và lực lượng thực thi pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan này. 

putin_wuly.jpg
Tổng thống Nga Putin đang muốn "hồi sinh" KGB?. Ảnh: Sputnik

Trong kế hoạch cải tổ này, Nga dự kiến sẽ thành lập Bộ An ninh quốc gia (MGB) trên cơ sở Cơ quan An ninh liên bang. Động thái này được cho là sẽ dẫn đến việc mở rộng quyền hạn của Cơ quan An ninh Liên bang (FSB) và đóng cửa Bộ Tình trạng khẩn cấp.

Mark Galeotti, chuyên viên tại Viện nghiên cứu Quan hệ quốc tế ở Prague, đồng thời là một chuyên gia về các dịch vụ an ninh Nga cho biết: “Về cơ bản, đây là một cách để đưa KGB trở lại. MGB sẽ tái hiện đầy đủ hình ảnh KGB trên tất cả các khía cạnh”.

MBG sẽ được trao những quyền hạn mới sâu rộng, không chỉ để cung cấp các tài liệu điều tra đối với những trường hợp mà cơ quan thực thi pháp luật “đặt hàng” mà còn làm nhiệm vụ giám sát những trường hợp đặc biệt.

Theo chuyên gia Galeotti, Tổng thống Putin đã nhận ra sự kém hiệu quả trong hoạt động của các cơ quan an ninh và thực thi pháp luật bởi cơ cấu tổ chức cũng như chức năng nhiệm vụ “chồng chéo”.

Ông  Galeotti nói: “Nhiều cơ quan chồng chéo không phát huy được hiệu quả mà còn kìm hãm hoạt động của nhau. Tổng thống Putin muốn tạo ra một mô hình quản trị với số ít các siêu cơ quan tình báo dưới sự quản lý của những người ông ấy có thể tin tưởng”.

2.Cảnh sát Mỹ ngày 19/9 bắn bị thương và bắn giữ nghi can người Mỹ gốc Afghanistan Ahmad Khan Rahami bị truy nã vì các vụ đánh bom tại New York và New Jersey.

Cụ thể, Rahami, 28 tuổi đã bị thương ở chân trong cuộc đấu súng với cảnh sát tại Linden, New Jersey chỉ 4 tiếng sau khi FBI công bố chân dung của y và nhắn tin cảnh báo hàng triệu người tại New York rằng Rahami là một kẻ "có vũ trang và nguy hiểm".

Nghi can người Mỹ gốc Afghanistan Ahmad Khan Rahami trong lệnh truy nã của cảnh sát New York. Ảnh: AP

Một nguồn tin từ lực lượng thực thi pháp luật địa phương nói với Reuters rằng, Rahami có thể phải đối mặt với 5 tội danh giết người và 2 tội danh liên quan đến việc sở hữu súng trái phép.

Đối tượng Rahami được xác định là nghi can hàng đầu trong vụ đánh bom ở New York cuối tuần trước sau khi cơ quan điều tra tiến hành phân tích video trích xuất từ camera an ninh. Rahami được mô tả là một công dân Mỹ gốc Afghanistan đã sống cùng gia đình tại Elizabeth, New Jersey.

Một quan chức thực thi pháp luật giấu tên cho biết, cơ quan điều tra đã nắm trong tay bằng chứng thuyết phục cho thấy, Rahami có liên quan không chỉ với vụ nổ Manhattan mà còn với vụ nổ xảy ra trước đó ở Jersey Shore.

Rahami sinh ngày 23/1/1988 tại Afghanistan. Đối tượng cao 1m68, tóc nâu, mắt nâu và có bộ râu quai nón.

3.Số hàng viện trợ đủ nuôi sống 185.000 người ở Đông Aleppo trong vòng một tháng vẫn kẹt lại ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria khoảng 1 tuần nay.

Hai đoàn xe cứu trợ với khoảng 20 xe chở theo số lương thực có thể đủ nuôi sống 185.000 người ở Đông Aleppo trong vòng một tháng, hiện vẫn đang bị kẹt lại ở Thổ Nhĩ Kỳ, một phát ngôn viên của Liên Hợp Quốc cho biết vài giờ sau khi lệnh ngừng bắn ở Syria hết hiệu lực.

Một chiếc xe chở hàng viện trợ bị tấn công trong khi đang hướng đến thành phố Aleppo. Ảnh Reuters

Theo Liên Hợp Quốc, hiện họ không nhận được sự đảm bảo an ninh từ tất cả các bên tham chiến ở Syria để có thể cung cấp viện trợ cho khu vực phía Đông Aleppo - hiện nằm dưới quyền kiểm soát của phiến quân đang chiến đấu chống lại chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad.

Ngoài ra, Liên Hợp Quốc cũng muốn cung cấp viện trợ cho các khu vực khó tiếp cận khác ở Syria, nhưng họ cho biết không nhận được sự hỗ trợ cần thiết từ chính phủ Syria để tiến hành các hoạt động này.

Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc phụ trách các vấn đề nhân đạo Stephen O'Brien cho biết, hiện có đến 275.000 người vẫn bị mắc kẹt tại một số khu vực của Aleppo - thành phố đông dân nhất của Syria - mà không có thức ăn, nước, chỗ ở thích hợp hoặc các dịch vụ chăm sóc y tế.

4. Chiến sự Syria đã nóng trở lại sau khi quân Chính phủ tuyên bố chấm dứt lệnh ngừng bắn trên toàn quốc kéo dài 1 tuần qua.

Các hoạt động không kích và bắn phá dữ dội diễn ra tại khu vực Aleppo gây thương vong, cùng với việc đoàn xe chở hàng cứu trợ bị đánh bom buộc Nga và Mỹ, hai nước đồng bảo trợ lệnh ngừng bắn tại Syria, phải tổ chức họp khẩn.  

Binh sĩ phe đối lập Syria giao tranh ác liệt với quân chính phủ. Ảnh: Reuters

Chưa đầy hai giờ đồng hồ sau khi quân đội Syria tuyên bố chấm dứt lệnh ngừng bắn kéo dài một tuần, đêm 19/9, các hoạt động không kích và bắn phá dữ dội đã diễn ra tại những khu vực do phe nổi dậy kiểm soát ở Aleppo và các khu làng mạc lân cận.

Theo Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR), giao tranh tái diễn đã gây ra một số thương vong. Tuy nhiên, không rõ máy bay của Syria hay Nga thực hiện các cuộc không kích nêu trên.

Quân đội Syria ra tuyên bố nêu rõ, lệnh ngừng bắn trên toàn quốc do Mỹ và Nga làm trung gian đã chấm dứt, đồng thời cáo buộc các “nhóm khủng bố” không thực thi nghiêm chỉnh các điều khoản trong thỏa thuận khi số vụ vi phạm của họ vượt quá 300 lần.

Quân Chính phủ Syria cũng cáo buộc “các nhóm khủng bố vũ trang lợi dụng lệnh ngừng bắn” để huy động lực lượng tiếp viện và tái phân phối lực lượng.

5.Hàn Quốc ngày 20/9 lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ vụ thử động cơ tên lửa mới nhất của Triều Tiên.

Yonhap dẫn lời quan chức Bộ Thống nhất Hàn Quốc nhấn mạnh: “Việc Triều Tiên vẫn tiếp tục phát triển năng lực hạt nhân và tên lửa trong khi lại ngoảnh mặt lại với những người dân nước này đang phải chịu hậu quả của mưa lũ là rất tồi tệ”.

Động cơ tên lửa mà Triều Tiên vừa thử nghiệm. Ảnh: Reuters

Trước đó, Triều Tiên đã tiến hành một vụ thử động cơ tên lửa được nâng cấp của nước này khiến các nước phương Tây lo ngại về khả năng Triều Tiên tiếp tục phóng thử một quả tên lửa đạn đạo tầm xa trong những tuần tới. Tuy nhiên, Triều Tiên cho rằng, vụ thử động cơ tên lửa này chỉ nhằm đưa một vệ tinh quan sát Trái đất của nước này vào vũ trụ.

Mặc dù vậy, quan chức tại Bộ Thống Nhất Hàn Quốc cho rằng, để có thể đưa vệ tinh vào vũ trụ, tên lửa của Triều Tiên cần phải đạt độ cao 36.000km tức là gấp 3 lần khoảng cách từ Triều Tiên đến bờ Đông của Mỹ.

“Rõ ràng, Triều Tiên không chỉ muốn chống lại lệnh trừng phạt của quốc tế mà còn cho thấy nước này đang muốn phát triển năng lực tên lửa của mình”, quan chức nói trên nêu rõ./.