Diễn ra trong bối cảnh nước Nga đang gặp nhiều khó khăn do các biện pháp trừng phạt kinh tế quốc tế và giá dầu thấp, cuộc bầu cử lần này được cho là phép thử sự ủng hộ của công luận đối với đảng Nước Nga thống nhất (UR) cầm quyền do Thủ tướng Dimitry Medvedev làm Chủ tịch, cũng như cá nhân Tổng thống Vladimir Putin.
Hơn 103.000 ứng cử viên đăng kí tham gia vào cuộc bầu cử ngày mai ở tất cả các cấp. Có khoảng 95.800 điểm bầu cử sẽ được thành lập trên khắp nước Nga trong ngày bầu cử. Một phần 3 trong số các điểm bỏ phiếu được trang bị camera giám sát.
Toàn cảnh một phiên họp của Duma tại Moscow. (Ảnh: AFP/ TTXVN). |
Người đứng đầu Ủy ban bầu cử Nga Ella Pamfilova cam kết sẽ tổ chức một cuộc bầu cử minh bạch. Một chuyên gia phân tích chính trị thuộc Trung tâm nghiên cứu Moscow Carnegie ông Alexander Baunov nhận định, chiến dịch tranh cử thời gian qua tại Nga diễn ra khá hòa bình: “Mặc dù chúng ta có thêm nhiều ứng cử viên chính thức đăng kí cho cuộc bầu cử. Cùng có thêm nhiều ứng cử viên đối lập, nhiều cuộc tranh luận trên truyền hình nhưng nói chung các chiến dịch khá yên bình so với cuộc bầu cử năm 2011”.
Cuộc bầu cử Duma quốc gia Nga năm nay diễn ra theo hệ thống hỗn hợp, vốn được áp dụng trong cuộc bầu cử năm 2003, tức là 225 đại biểu sẽ được bầu theo danh sách các chính đảng, 225 đại biểu được bầu theo khu vực bầu cử. Có khoảng 691 quan sát viên quốc tế tham gia giám sát cuộc bầu cử.
Diễn ra trong bối cảnh nước Nga đang phải đối mặt với khó khăn kinh tế do các lệnh trừng phạt và giá dầu thấp nên cuộc bầu cử lần này cũng là thước đo sự ủng hộ của cử tri đối với đảng Nước Nga thống nhất (UR) cầm quyền cũng như cá nhân Tổng thống Vladimir Putin.
Mặc dù số lượng đảng phái chính trị tăng vọt, nhưng các chính đảng truyền thống như Đảng nước Nga thống nhất (UR), Cộng sản Liên bang Nga (KPRF), đảng Dân chủ-Tự do Nga (LDPR) và đảng Nước Nga công bằng (SR) được dự báo sẽ tiếp tục “thống lĩnh” trong Duma Quốc gia khóa mới.
Nhiều cử tri Nga vẫn bày tỏ sự ủng hộ đối với đảng Nước Nga thống nhất cầm quyền. Một cử tri cho biết: “Tôi sẽ đi bỏ phiếu. Tôi nghĩ cuộc bầu cử nên công bằng và khách quan. Không chỉ tôi mà cả gia đình sẽ đi tham gia cuộc bỏ phiếu”.
Một cử tri khác nói: “Nói chung tôi cảm thấy mọi thứ hiện giờ rất tốt. Tôi nghĩ sẽ có lợi nếu không có quá nhiều thay đổi sau cuộc bầu cử”.
Trước thềm cuộc bỏ phiếu, Tổng thống Nga Putin đã kêu gọi người dân thể hiện quan điểm của mình bằng việc đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử. Ông Putin nhấn mạnh, bất chấp quan điểm chính trị thế nào, đi bầu cử là một nhiệm vụ của người dân cũng như cách thể hiện sự quan tâm đến đất nước.
Ông Putin cũng khẳng định, tất cả các nhóm chính trị tham gia chiến dịch tranh cử đều được nhận các điều kiện công bằng vì một cuộc cạnh tranh công bằng và cởi mở.
Diễn ra trong bối cảnh nước Nga đang đối mặt với nhiều khó khăn nên nên giới quan sát cho rằng, Đảng nước Nga thống nhất cầm quyền sẽ tiếp tục giành chiến thắng và chiếm nhiều ghế trong Duma Quốc gia khóa mới. Tuy nhiên tỉ lệ số phiếu ủng hộ sẽ không cao so với khóa trước.
Kết quả thăm dò dư luận do Trung tâm Nghiên cứu dư luận xã hội toàn Nga (VTsIOM) công bố ngày 12/9, thời điểm kết thúc chiến dịch tranh cử cho thấy, Đảng nước Nga thống nhất ( UR) dẫn đầu nhưng có khả năng chỉ giành được 41,1% số phiếu ủng hộ. Các vị trí tiếp theo lần lượt thuộc về đảng Dân chủ-Tự do Nga (12,6%), Cộng sản Liên bang Nga (7,4%).
Trong một chiến thuật giúp gia tăng tỉ lệ ủng hộ của Đảng nước Nga thống nhất trước thềm cuộc bầu cử, Thủ tướng Nga Mevedev kêu gọi cử tri hãy bỏ phiếu cho chính đảng này, với "lời hứa" sẽ tuân thủ đường lối phát triển đất nước do Tổng thống Putin đề ra. Với tỉ lệ ủng hộ ông Putin đang rất cao trong nước có thể giúp đảng này giành được lợi thế trong cuộc bầu cử ngày mai./.