1.Phát biểu tại một diễn dàn quốc phòng tại Thư viện Tổng thống Ronald Reagan ở California ngày 7/11, ông Carter bày tỏ lo ngại của mình về quy mô và tốc độ cải tạo phi pháp của Trung Quốc đối với các bãi đá ở Biển Đông và cho biết, lo ngại này của ông cũng được nhiều nước trong khu vực chia sẻ.
Hình ảnh cho thấy một bãi đá bị Trung Quốc cải tạo phi pháp thành đảo nhân tạo và xây sân bay trên đó. Ảnh AP |
“Mỹ cũng như nhiều nước khác trong khu vực rất quan ngại về hoạt động cải tạo đảo rầm rộ của Trung Quốc ở Biển Đông cũng như khả năng Trung Quốc tiếp tục các hoạt động quân sự hóa của mình tại đây. Điều này sẽ dẫn đến nguy cơ gia tăng những tính toán sai lầm và thậm chí là dẫn đến xung đột giữa các nước trong khu vực”, ông Carter nói.
Cũng theo ông Carter: “Là một quyền lực mới nổi, Trung Quốc rõ ràng là có tham vọng rất lớn và đang hiện đại hóa quân đội của mình để hiện thực hóa tham vọng đó. Tuy nhiên, cách hành xử của Trung Quốc chính là “liều thuốc thử” cho chính cam kết của nước này về an ninh và hòa bình trong khu vực”.
“Mỹ đang thay đổi một cách căn bản kế hoạch hành động và cách tiếp cận của mình nhằm răn đe những kẻ hiếu chiến, bảo vệ các đồng minh và chuẩn bị tốt hơn để đối phó với những tình huống bất ngờ trong khu vực so với những gì chúng tôi đã làm trước đây”, ông Carter cam kết.
Ông Carter: “Mỹ sẽ tìm cách răn đe sự hiếu chiến của Nga”
2. Ủy ban Hàng không Liên bang Nga (MAK) ngày 7/11 cho biết: “MAK đã hoàn tất việc phân tích ban đầu, bao gồm việc copy và giải mã Hộp đen Ghi dữ liệu Chuyến bay (FDR) và Hộp đen Ghi âm Buồng lái (CVR) của chiếc máy bay Nga gặp nạn. Chúng tôi đã tiến hành kiểm tra lại dữ liệu của Hộp đen CVR”.
Trước đó, các quan chức Ai Cập cho biết, Hộp đen CVR đã bị hư hại ít nhiều và sẽ rất khó để lấy dữ liệu và phân tích chiếc hộp đen này.
Một trong 2 chiếc hộp đen của chiếc máy bay Nga bị rơi ở Ai Cập. Ảnh Sputnik News |
MAK cho biết: “Hộp đen FDR đã ngừng hoạt động ở độ cao 9.400m. Khi đó máy bay đang hoạt động bình thường, không có thông tin nào cho thấy các hệ thống trên máy bay hay bất kỳ thiết bị nào của máy bay bị lỗi”.
Cũng theo MAK, các nhân viên điều tra vẫn đang thu thập và phân tích các mảnh vỡ của chiếc máy bay này tại hiện trường ở bán đảo Sinai. Mảnh vỡ của chiếc máy bay này nằm rải rác trong bán kính gần 13km.
“Máy bay Nga đã phát nổ trên không trung sau khi có tiếng ồn”
3. Gần 2.000 khách du lịch Anh bị mắc kẹt tại khu nghỉ dưỡng Sharm al-Sheikh của Ai Cập ngày 7/11 đã trở về nước sau nhiều ngày xảy ra vụ rơi máy bay trên bán đảo Sinai.
Tuy nhiên, Chính phủ Anh cho biết, do số chuyến bay giới hạn có thể rời Sharm al-Sheikh mỗi ngày nên một số khách du lịch có thể vẫn phải tiếp tục ở lại khu nghỉ dưỡng thêm vài ngày trước khi được trở về nhà.
Khách du lịch bị kẹt lại Ai Cập đang xếp hàng ở sân bay để chuẩn bị về nhà. Ảnh Sputnik News |
Hiện các hãng hàng không và công ty du lịch đang cố gắng đảm bảo chi phí cho thời gian mà hành khách phải lưu lại khu vực này. Ước tính có khoảng 20.000 người Anh tại Sharm al-Sheikh khi vụ tai nạn xảy ra.
Khoảng 80.000 người Nga cũng bị mắc kẹt tại Ai Cập sau khi Nga dừng các chuyến bay tới Ai Cập. Khoảng 1.200 khách du lịch Nga đã trở về nhà và các chuyến bay sắp tới sẽ yêu cầu hành khách không kèm theo hành lí.
Các công ty du lịch Nga cho biết, nhiều khách du lịch Nga tới thăm Ai Cập trong những ngày sắp tới đã nhất trí bay trực tiếp sang Thổ Nhĩ Kỳ.
Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước châu Âu đã dừng các chuyến bay tới Sharm al-Sheikh, trong khi Mỹ áp đặt các yêu cầu an ninh đi lại mới sau vụ tai nạn xảy ra.
4. IS tại Syria ngày 7/11 đã bất ngờ phóng thích 37 con tin là người Thiên chúa giáo bị chúng bắt giữ hồi đầu năm nay.
Tổ chức Đài quan sát Nhân quyền Syria có trụ sở tại Anh, đã xác nhận việc phóng thích, đồng thời cho biết toàn bộ các con tin được phóng thích đã về đến thị trấn Tal Tamr thuộc vùng Khabur, tỉnh Hasakeh, Đông Bắc Syria.
Các con tin được IS phóng thích trở về nhà. Ảnh AP |
Nhóm con tin vừa được IS phóng thích đều là những người lớn tuổi gồm 27 phụ nữ và 10 nam giới. Nhóm này nằm trong tổng số 220 người bị IS bắt giữ hồi đầu năm nay khi chúng tấn công vào vùng Khabur. Đến nay, vẫn còn khoảng 140-150 người trong số này, còn bị IS bắt giữ.
5. Sáng 8/11, các điểm bỏ phiếu trên toàn Myanmar đã mở cửa đón 32 triệu cử tri tham gia cuộc tổng tuyển cử chưa từng có trong lịch sử nước này.
Đây là cuộc tổng tuyển cử đầu tiên kể từ khi Myanmar tiến hành cải cách mở cửa, sau khi chính quyền dân sự thay thế chính quyền quân sự cách đây 4 năm.
Người dân Myanmar xếp hàng đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử ngỳ 8/11. Ảnh Reuters |
Các điểm bỏ phiếu mở cửa lúc 6h sáng với hàng dài người xếp hàng từ sáng sớm tại các điểm bỏ phiếu. Tổng cộng có hơn 6.000 ứng cử viên của hơn 90 đảng ra tranh cử. Riêng khu vực Yangon có hơn 4,9 triệu cử tri hợp lệ.
Ông Tin Aye, người đứng đầu Ủy ban Bầu cử Quốc gia, ngày 7/11 đã đi giám sát các điểm bầu cử, gặp các quan sát viên và khẳng định chính quyền nước này sẽ đảm bảo tổ chức tốt cuộc bầu cử.
Tổng thống Myanmar Thein Sein cùng ngày cam kết Chính phủ sẽ tổ chức một cuộc bỏ phiếu đáng tin cậy, với hơn 10.000 quan sát viên tham gia tiến trình bầu cử.
An ninh cũng được thắt chặt trên khắp đất nước với 40.000 nhân viên an ninh được triển khai tại các điểm bầu cử. Một số nhà hàng và khu chợ cũng đóng cửa tại Yangon– thành phố lớn nhất của đất nước trong ngày bầu cử.
Cuộc bầu cử ngày 8/11 là dấu mốc quan trọng trong tiến trình cải cách của Myanmar, có thể coi là bước thứ 7 trong lộ trình 7 bước xây dựng đất nước được công bố và triển khai từ đầu năm 2003.
Có hơn 90 đảng tham gia cuộc bầu cử lần này nhưng cuộc chiến chính vẫn là giữa Đảng Đoàn kết và Phát triển Liên bang Myanmar (USDP) cầm quyền và Đảng đối lập Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD).
6. Một bài viết trên tờ Spiegel ngày 7/11 cho biết, BND đã tiến hành các hoạt động xâm nhập và nghe lén một loạt các bộ, ban ngành của các quốc gia được coi là thân với Đức như Bộ Nội vụ các nước Ba Lan, Áo, Đan Mạch và Croatia; phái bộ Mỹ tại EU và Liên Hợp Quốc, Bộ Tài Chính và Bộ Nội vụ Mỹ và thậm chí cả đường dây nóng để cảnh báo du lịch của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Một thiết bị phục vụ việc do thám của BND. Ảnh DPA |
Ngay tại Đức, BND cũng theo dõi hoạt động của các Đại sứ quán và Lãnh sự quán của Pháp, Anh, Thụy Điển, Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Ytaly, Áo, Thụy Sỹ và cả Vatican.
Trước đó, BND từng bị cáo buộc nghe lén các quan chức Bộ Ngoại giao và Tổng thống Pháp cũng như các quan chức EC. Tại thời điểm đó, theo Spiegel, BND làm việc này “hộ” đối tác là Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA).
Mặc dù vậy, theo Spiegel, BND cũng khởi xướng nhiều hoạt động nghe lén các Đại sứ quán và các tổ chức chính phủ của các nước châu Âu và đồng minh của Đức.
Thậm chí, BND cũng không “tha” cả các tổ chức phi chính phủ như Oxfam, Care International và Ủy ban Chữ thập Đỏ Quốc tế./.