1.Bộ trưởng Giao thông Nga Maxim Sokolov ngày 1/11 cho biết: “Hai chiếc hộp đen này đều bị hư hại nhưng không quá nghiêm trọng và không chịu tác động về nhiệt (có thể gây hư hại dữ liệu của chuyến bay)”. Cũng theo lời ông Sokolov, cả hai chiếc hộp đen này đều chưa được mở ra để phân tích.
Trong khi đó, người đứng đầu Cơ quan Hàng không Nga Rosaviation Aleksander Neradko cho biết, hai chiếc hộp đen này sẽ được giải mã tại Ai Cập.
Những giả thuyết về nguyên nhân máy bay Nga rơi tại Ai Cập
Nhiều nguồn tin cho biết, chiếc máy bay này gần như lao thẳng đứng xuống đất và các bộ phận lớn trên thân máy bay đều đã bị thiêu rụi. Chiếc máy bay này gần như vỡ làm đôi sau khi rơi xuống đất.
Lực lượng an ninh Ai Cập cũng cho biết, vị trí của các thi thể cũng như những gì thu thập được tại hiện trường cho thấy, máy bay không bị nổ trên không.
Phát biểu tại cuộc họp báo tại Cairo, Bộ trưởng Hàng không Dân dụng Ai Cập Hossam Kamal cho biết, cơ trưởng trên chiếc máy bay gặp nạn không hề phát tín hiệu tình trạng khẩn cấp đến các nhân viên kiểm soát không lưu tại sân bay Sharm El-Sheikh trước khi chiếc máy bay gặp nạn.
“Liên lạc giữa trạm kiểm soát không lưu và chiếc máy bay đều diễn ra bình thường cho đến khi chiếc máy bay này bị rơi. Cơ trưởng không hề phát tín hiệu cầu cứu và chiếc máy bay đột nhiên biến mất”.
Ủy ban Điều tra của Nga cho biết, đang xem xét mẫu nhiên liệu mà chiếc máy bay này sử dụng khi được tiếp tại thành phố Samara của Nga.
Hình ảnh bi thảm hiện trường vụ máy bay Nga rơi tại Ai Cập
2.Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter ngày 1/11 khẳng định, tranh chấp ở Biển Đông khiến các nước trong khu vực muốn Mỹ hiện diện tại đây.
Tuyên bố của ông Carter được đưa ra trong bối cảnh ngày 27/10, nước này đã điều tàu khu trục USS Lassen vào tuần tra trong khu vực 12 hải lý quanh các bãi đá mà Trung Quốc cải tạo phi pháp thành các đảo nhân tạo ở Biển Đông.
Động thái này của Mỹ đã khiến Bắc Kinh hết sức giận dữ và cảnh báo chỉ một sự cố nhỏ trong khu vực cũng có thể gây ra chiến tranh nếu Mỹ không ngừng ngay hành động mà Trung Quốc gọi là “những hành động khiêu khích”.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter tại Hàn Quốc. Ảnh Yonhap |
Phát biểu trước khi đặt chân đến Hàn Quốc ngày 31/10, ông Carter nhấn mạnh: “Tình hình căng thẳng trong tranh chấp ở Biển Đông đã khiến nhiều nước trong khu vực muốn tăng cường hợp tác an ninh với Mỹ”.
Cuộc đối thoại thường niên lần này sẽ tập trung vào những bước tiến của phía Hàn Quốc trrong việc tăng cường năng lực quân sự đủ để không cần sự chỉ huy của phía Mỹ đối với các lực lượng quân đội nước này trong trường hợp bị Triều Tiên tấn công.
“Binh sĩ Triều Tiên nổi tiếng là cực kỳ khó lường”, ông Carter cảnh báo: “Vì thế chúng ta phải chuẩn bị cho khả năng bị họ khiêu khích”.
Sau đó, ông Carter sẽ bay sang Malaysia để tham dự cuộc họp với quan chức quốc phòng các nước ASEAN cùng Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn.
Ông Carter cho biết, cuộc họp tại Malaysia sẽ bàn về những diễn biến mới ở Biển Đông và chủ đề đáng chú ý nhất là “mức độ cải tạo đảo và tăng cường sức mạnh quân sự chưa từng có tiền lệ của phía Trung Quốc”.
3. Phát biểu với báo giới ngày 31/10, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói: “Tổng thống Obama đã đưa ra một quyết định rất đơn giản hoàn toàn phù hợp với chính sách mà ông đã tuyên bố ngay từ đầu rằng chúng ta cần phải đánh bại và hủy diệt IS".
"Đây không phải là một quyết định nhằm tham gia vào cuộc nội chiến tại Syria. Đây không phải là một hành động hay một sự lựa chọn nhằm vào Tổng thống Bashar al- Assad, mà nó hoàn toàn nhằm vào IS. Quyết định này giúp tăng cường khả năng của chúng ta nhằm nhanh chóng đánh bại IS và loại bỏ ảnh hưởng của IS trong khu vực”, ông Kerry cho biết.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry lý giải về việc Mỹ đưa 50 đặc nhiệm vào chiến đấu tại Syria. Ảnh AP |
Cũng theo ông Kerry, mặc dù không thể dự đoán được tương lai của chiến dịch chống IS, song ông hoàn toàn ủng hộ quyết định này của Tổng thống Obama.
4. Các cuộc không kích do Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành ngày 31/10 đã tiêu diệt hơn 50 tay súng của IS và làm bị thương 30 người khác.
Một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, 6 máy bay chiến đấu F-16 đã cất cánh từ sân bay Incirlik của nước này để tham gia vào các cuộc không kích kéo dài từ 9h-14h (giờ GMT) cùng với một máy bay không người lái của liên quân do Mỹ đứng đầu.
Máy bay Mỹ tấn công các mục tiêu IS tại Syria. Ảnh Quân đội Mỹ |
Các cuộc không kích nói trên đã phá hủy 8 vị trí của IS ở Syria cách tỉnh Kilis của Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 5km. Các cuộc không kích này đều nhận được sự yểm trợ của lực lượng bộ binh người Kurd ở Syria.
Trước đó, hồi tháng 7, Thổ Nhĩ Kỳ đã cam kết sẽ đóng vai trò chủ động hơn trong cuộc chiến chống IS.
Tuy nhiên, kể từ đó, quân đội nước này chủ yếu tấn công vào lực lượng Đảng Công nhân người Kurd (PKK) đối lập và nhường các căn cứ không quân của mình cho các máy bay của liên quân Mỹ không kích IS tại miền Bắc Syria.
5. Sáng 1/11, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tới Hàn Quốc tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhật-Trung-Hàn vốn đã bị gián đoạn trong vòng 3 năm rưỡi.
Toàn cảnh cuộc gặp 3 bên Nhật- Trung- Hàn. Ảnh AP |
Dự kiến chiều 1/11 (giờ Nhật Bản) cuộc Hội đàm sẽ được tiến hành và sau Hội đàm, lãnh đạo 3 nước sẽ đưa ra Tuyên bố chung, trong đó đề cập đến vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, các biện pháp tăng cường hợp tác kinh tế giữa 3 bên, trong đó nhấn mạnh tới việc thúc đẩy sớm các vòng đám phán về khu vực mậu dịch tự do (FTA) giữa 3 nước.
Trong cuộc gặp 2 bên Nhật-Trung, Nhật Bản sẽ bày tỏ quan ngại của nước này về việc Trung Quốc cải tạo phi pháp các bãi đá thành các đảo nhân tạo ở Biển Đông.
Tại cuộc gặp 2 bên Nhật-Hàn, hai bên sẽ tập trung thảo luận vấn đề nô lệ tình dục trong chiến tranh và các biện pháp tăng cường quan hệ hai nước trong thời gian tới./.