Ngày 30/8, sau 3 ngày nhóm họp tại Sydney, Australia, 11 thành viên còn lại tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đồng ý tiếp tục đàm phán vào tháng 9 tới tại Nhật Bản.

kazuyoshi_umemoto_reuters_ytro.jpg

Trưởng đoàn đàm phán TPP Nhật Bản Kazuyoshi Umemoto. (Ảnh: Reuters)

Chủ trì hội nghị kéo dài đến hôm qua, theo giờ địa phương, Bộ trưởng Thương mại Australia, Steven Ciobo cho biết, ông vẫn thường xuyên thảo luận với những người đồng cấp trong TPP và nhận thấy đa số đều mong muốn thông qua thỏa thuận này tại Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) vào tháng 11 tới ở Việt Nam.

Trưởng đoàn đàm phán TPP Australia Justin Brown bày tỏ hy vọng rằng tất cả 11 quốc gia sẽ đạt được thỏa thuận cuối cùng để thỏa thuận thương mại khu vực Thái Bình Dương sẽ có hiệu lực. Mặc dù có một số trở ngại, đại diện thương mại Australia cam kết cùng với 10 quốc gia còn lại để làm cho thỏa thuận có hiệu quả vì lợi ích chung của các bên tham gia.

Trong khi đó, người đứng đầu phái đoàn Nhật Bản Kazuyoshi Umemoto nói rằng, 11 quốc gia cần thúc đẩy tình đoàn kết để TPP có thể sớm có hiệu lực. Thông báo kết quả cuộc họp trước báo giới, Trưởng đoàn đàm phán Nhật Bản Kazuyoshi Umemoto cho biết các đại biểu tham dự cuộc họp đã nhất trí sẽ nhóm họp trở lại tại Nhật Bản vào tháng 9 tới, với hy vọng có thể đạt được các thỏa thuận cuối cùng về TPP trước khi diễn ra APEC tại Việt Nam vào tháng 11 tới.

“Điều quan trọng đối với 11 quốc gia là duy trì tình đoàn kết và thống nhất , nỗ lực thiết lập một hệ thống thương mại  đa phương tự do, công bằng dựa trên hệ thống luật quốc tế phù hợp cho thế kỷ 21”, ông Kazuyoshi Umemoto nói.

Tại cuộc gặp lần này, một vài thành viên đề nghị sửa đổi hoặc đóng băng một số điều khoản của hiệp định, cụ thể là các vấn đề liên quan tới hoạt động thu mua của nhà nước và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ dược phẩm.Theo nhận định của ông Kazuyoshi Umemoto tại cuộc họp lần này, “sự hiểu biết chung giữa các bên tham gia đã đạt được tiến bộ”.

TPP đã được ký kết vào tháng 2/2016 bởi 12 quốc gia bao gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam.

Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố rút khỏi TPP ngay sau khi nhậm chức vào tháng 1/2017 khiến TPP rơi vào bế tắc.

Hiện tại, TPP chỉ có thể có hiệu lực nếu có sự phê chuẩn của ít nhất 6 quốc gia chiếm 85% tổng GDP của 12 nước ban đầu. Đây là một thách thức lớn bởi với sự vắng mặt của Mỹ, nước chiếm 60% GDP của toàn khối TPP thì thỏa thuận không thể có hiệu lực.

Do vậy, nội dung TPP cần phải được điều chỉnh và việc sửa đổi đang là vấn đề cần thảo luận giữa 11 nước còn lại. Chính vì thế, các thành viên còn lại đang thảo luận về những cách thức khác nhau với hy vọng hồi sinh hiệp định./.

Hy vọng mới nào cho TPP?

VOV.VN - Đại diện 11 nước đã thống nhất việc sẽ hợp tác chặt chẽ để Hiệp định TPP có thể hiệu lực sớm nhất.