Trưởng đoàn đàm phán của 11 quốc gia tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hôm 3/5 kết thúc hai ngày thảo luận tại thành phố Toronto của Canada.
Mỹ là thành viên vắng mặt do đã tuyên bố rút khỏi thỏa thuận.
Mục tiêu của các cuộc đối thoại sơ bộ kéo dài hai ngày tại Toronto là quyết định liệu Bộ trưởng Thương mại các nước có nên tiếp tục theo đuổi TPP mà không có Mỹ tại cuộc họp cấp Bộ trưởng APEC vào cuối tháng này tại Việt Nam hay không.
Kết thúc cuộc họp hôm 3/5, các nước nhất trí quyết định thúc đẩy Hiệp định theo định hướng không có Mỹ tại các cuộc đối thoại cấp Bộ trưởng sắp diễn ra tại Việt Nam.
Mặc dù vậy, giới quan sát nhận định, việc đạt được một sự đồng thuận về tương lai của Thỏa thuận là rất khó khăn do bất đồng lợi ích giữa các quốc gia thành viên trong hợp tác thương mại với Mỹ.
Nhật Bản trước đó từng do dự trong việc đưa TPP có hiệu lực mà không có Mỹ, thị trường lớn nhất trong khối này.
Tuy nhiên, trước nguy cơ thương mại tự do bị đe dọa với sự nổi lên của chủ nghĩa bảo hộ sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức, ngày càng có nhiều lời kêu gọi trong chính quyền Nhật Bản muốn nước này đảm nhận vai trò đi đầu để duy trì đà của thương mại tự do. Nhật Bản hiện cũng muốn sử dụng vị thế là nền kinh tế lớn nhất trong 11 quốc gia này để đưa ra sáng kiến trong các cuộc đàm phán.
Phát biểu sau cuộc họp, Trưởng đoàn đàm phán Nhật Bản Keiichi Katakami đánh giá hai ngày đối thoại vừa qua là tích cực mặc dù vẫn còn nhiều bất đồng.
TPP đứng trước nguy cơ đổ vỡ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố chính thức rút khỏi hiệp định này.
Việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận khiến cho Hiệp định này khó có thể được phê chuẩn. TPP đòi hỏi sự phê chuẩn của ít nhất 6 nước, chiếm 85% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của cả 12 quốc gia thành viên.
Tiêu chí này không thể được đáp ứng nếu không có Mỹ, chiếm đến 60% GDP đề xuất. Tuy nhiên, 11 quốc gia còn lại vẫn có thể sửa đổi thỏa thuận nếu họ muốn phê chuẩn Hiệp định này./.