Ở những khu vực bị tàn phá nhất của miền Trung Philippines, nơi siêu bão Haiyan hung dữ tấn công ngày 8/11 năm ngoái, cuộc sống bình thường đang dần hồi sinh. Nhiều công trình mới mọc lên, cũng như các tiện ích đã được khôi phục. Tuy nhiên, vẫn còn sự thiếu hụt lớn về nhà ở và việc làm cho hàng triệu người dân vùng thảm họa. Trong ký ức của những người sống sót, thì Haiyan vẫn là nỗi ám ảnh kinh hoàng. Tròn một năm xảy ra thảm họa, trên khắp đất nước Philippines đã có nhiều hoạt động tưởng niệm.
Thành phố Tacloban là một trong những khu vực ở dải miền Trung Philippines bị thiệt hại nặng nhất. Một năm đã trôi qua, song cuộc sống của những người dân nơi đây vẫn chưa thể ổn định khi vẫn phải sống trong những căn nhà tạm, việc làm thì không có. Thêm vào đó, mỗi khi có mưa bão, hình ảnh khủng khiếp của siêu bão Haiyan lại ám ảnh tâm trí họ.
Chị Dona Torest may mắn sống sót sau cơn bão vẫn chưa hết bàng hoàng về sự tàn phá kinh hoàng của Haiyan, nói: “Lúc nào tôi cũng ám ảnh rằng sẽ lại có một cơn bão như thế trở lại. Tôi đã cố nén lòng để tiếp tục sống. Bởi tôi nghĩ rằng, tôi không phải là nạn nhân duy nhất của thảm họa đó. Tuy nhiên thật sự khó khăn để làm điều đó vì tôi vẫn không thể quên được chồng và con tôi".
Nhiều cư dân ở Tacloban phàn nàn, chính phủ Philippines hứa sẽ giúp họ có một căn nhà kiên cố trong vòng một năm. Tuy nhiên, đến giờ họ vẫn đang mòn mỏi chờ đợi. Mỗi ngày trung tâm phát triển phúc lợi xã hội ở Tacloban có hàng nghìn người xếp hàng để chờ bốc thăm được mua 200 căn nhà mới.
Thị trưởng thành phố Tacloban Romalder lo ngại việc di dời khẩn cấp hơn 3.000 cư dân. Bởi nơi họ đang trú ẩn liệt vào vùng nguy hiểm mỗi khi có mưa bão. Hiện chính quyền thành phố đang ưu tiên xây dựng nhà mới cho 14.500 gia đình. Tuy nhiên, điều họ lo ngại không phải về kinh phí xây dựng mà cấu trúc các căn nhà mới liệu có khả năng chống chọi với những cơn bão mới khác không.
Ông Romalder cho biết, các nhà hoạch định đang tập trung phát triển xây dựng ở phía bắc thành phố. Tuy nhiên, phải mất ít nhất 3 năm nữa, những dự án này mới hoàn thành. Các cơ quan viện trợ quốc tế và chính phủ Philippines cam kết sẽ không để người dân phải trả bất kỳ chi phí nào cho việc xây dựng.
Song song với sự nỗ lực của chính phủ và chính quyền địa phương, nhiều tổ chức quốc tế lớn đang triển khai những dự án của riêng mình để giúp những người vô gia cư.
Tổ chức từ thiện Catholich Relief của Mỹ, đang khẩn trương xây mới và sửa chữa những ngôi nhà dựa trên cấu trúc hiện có để phòng chống bão. Ông Edworst điều phối viên hoạt động nhân đạo của tổ chức Cơ quan tỵ nạn Liên hợp quốc cho biết, hiện vẫn còn 20.000 người vẫn đang phải sống trong các khu lều trại tạm bợ.
"Đã có khoảng 4,1 triệu người di dời sau thảm họa. Tuy nhiên có một số người có thể trở về để tự xoay sở cuộc sống. Trong khi còn khoảng 20.000 người khác vẫn phải sống ở các nơi tạm trú. Chính phủ Philippines và các cơ quan nhân đạo khác đã giúp đỡ được 70.000 người sống sót dễ bị tổn thương nhất có thế hòa nhập cuộc sống mới”.
Trong khi đó, một tổ chức nhân đạo khác của Đài Loan (Trung Quốc) cũng đầu tư gần trăm triệu đôla vào những khu vực khó khăn nhất để xây mới nhà và tạo việc làm ổn định cho người dân Tacloban ít nhất trong 1-2 năm tới.
Sau khi có báo cáo đánh giá về nhu cầu tái thiết của người dân vùng thảm họa, anh Alison Kent, cố vấn chính sách nhân đạo của Tổ chức Oxfam cho rằng có thể, chương trình hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà cửa của Chính phủ Philippines chưa đến được với rất nhiều gia đình bởi họ thấy, vì không có tiền nên nhiều gia đình phải tận dụng những vật liệu cũ để sửa chữa nhà .”.
Ngày 8/11/2013, siêu bão Haiyan với sức gió kinh hoàng 315km/giờ đã ào ào tấn công một vùng rộng lớn ở miền Trung Philippines. Trên đường di chuyển, siêu bão đã tấn công 14, 5 triệu người, cướp đi sinh mạng của ít nhất 6.000 người và đẩy hơn 4 triệu người vào cảnh vô gia cư. Thiệt hại kinh tế do thảm họa thiên nhiên này gây ra đến nay chưa thể thống kê hết được.
Nhiều cơ quan nhân đạo quốc tế đang hoạt động ở vùng thảm họa đều có chung nhận xét rằng, mặc dù cuộc sống còn bộn bề thiếu thốn song người dân nơi đây rất hăng hái tham gia công cuộc tái thiết, bởi họ tin vào một tương lai tươi sáng hơn ở phía trước. Và, điều mong ước giản dị của họ vẫn là có được ngôi nhà nhỏ kiên cố bởi lẽ có “an cư thì mới lạc nghiệp”. Chứng kiến những gì đang diễn ra ở Tacloban, người ta mới hiểu rằng cần phải trân trọng những gì mình đang có./.