Tacloban, thủ phủ của đảo Leyte, nằm ở phía Đông – miền Trung  Philippines,  quốc gia quần đảo với hơn 7000 hòn đảo lớn nhỏ. Philippines hàng năm bị nhiều cơn bão lục địa, lốc xoáy tấn công dữ dội do vị trí địa lý nằm ở Tây Bắc – Thái Bình Dương ngay trên con đường phát bão số 1 của thế giới. Cũng vì thế, người Philippines cho rằng mình tích lũy được nhiều kinh nghiệm và kỹ năng để giảm thiểu thiệt hại về con người và tài sản do bão.Trước khi cơn bão Haiyan ập vào sáng 8/11/2013, Chính quyền đã sơ tán được hơn 800.000 người đến những nơi được coi là kiên cố và an toàn như công sở, khách sạn, nhà thờ… Nhưng kinh nghiệm và các biện pháp đó vẫn không đủ để chống lại cơn bão khủng khiếp mang tên Yolanda (tên gọi bão Haiyan bằng tiếng Philippines.) "Sáng hôm ấy, trời mưa nhưng gió nhẹ..."Edga Cinci, 42 tuổi, một cư dân khu Anibon, Tacloban – 36-A, một trong những người sống sót kể lại: "Buổi sáng hôm ấy, trời có mưa, nhưng vẫn có thể ra đường được, trời vẫn khá sáng, gió nhẹ. Tôi ra ngoài đường mua thêm một chút đồ ăn tích trữ ở nhà, còn vợ và 3 con tôi dọn dẹp để chuẩn bị gói ghém mọi thứ cho khỏi ướt nếu mưa to gió lớn.Bất thần gió mạnh lên. Tôi chạy về, nhìn thấy trước mắt tôi, dưới các hàng hiên, một con sóng lớn tràn vào, cao đến ngang người tôi. Tôi bị cuốn trôi nhưng may mắn bám vào được một chiếc ghế sô pha. Mọi thứ chao đảo. Rồi cơn sóng thứ hai, cao hơn ập tới. Sau này người ta nói với tôi là sóng cao đến 20 feet (khoảng 6m). Và nó quét sạch mọi thứ. Tôi vẫn cố bám chặt vào ghế và và cầu nguyện cho gia đình, rồi bất ngờ một cái gì đó đập vào đầu khiến tôi ngất đi, không biết gì nữa.Lúc tỉnh lại, tôi không thể ngồi dậy vì đau đớn và bị mấy khúc gỗ đè lên người. Tôi cố sức và rồi cũng dậy được. Tôi thấy xung quanh ngổn ngang giống như một bãi rác thải, chỉ có điều là nó lớn quá! Mọi thứ đã biến mất, không còn gì nữa cả.Tôi cố gắng định hình để tìm lại khu phố và căn nhà của mình, nhưng không thể. Nó nằm dưới cả một đống hỗn độn. Một sĩ quan cảnh sát nói với tôi rằng không thể tìm được đâu. Đống lộn xộn có thể cao đến 10 mét hoặc hơn.Tôi đã mất hết, mất hết…"
edga%20cinci.jpg
Edga Cinci
Lúc kể câu chuyện này với tôi, Edga ngồi trên hành lang của một vũ trường bị tàn phá, nhìn vời vợi ra biển. Bên cạnh Edga, một người đàn ông khác cũng im lặng từ đầu đến cuối, bất động."Hãy cứu những người khác..."Đã 3 tuần trôi qua tính từ thời điểm thảm họa, sự tang thương của thành phố vẫn hiện diện khắp nơi. Với sự hỗ trợ của quốc tế và những người tình nguyện từ  khắp nơi, công việc dọn dẹp lại Tacloban đang được tiến hành. Nhưng để xây dựng lại một thành phố không điện, không nước, không thông tin liên lạc, và với hàng trăm ngàn người dân không cửa nhà... chắc còn lâu dài.

Barangay 36- khu vực Anibon hoàn toàn bị phá huỷ. Người ta ước tính, chiều cao của đống rác này từ 10 đến 15 mét, và chắc chắn còn nhiều thi thể bị kẹt lại bên dưới

Cano tìm kiếm thi thể nạn nhân sau bão
Cuộc sống sau bão đầy rẫy khó khăn
Những con đường chính ở Tacloban
Nước sinh hoạt rất hiếm hoi
Khu vực gần sân bay
Nhưng trong tang thương bao trùm ấy, tôi lại nhìn thấy những điều đẹp đẽ nhất, con người nhất khi gặp những bác sĩ đã 6 ngày trực Bệnh viện Trung tâm vùng Đông Tacloban. Một nữ bác sĩ cảm thấy rất may vì đã biết tin thân nhân an toàn tuy nhà cửa đã mất hết. Bà cũng là người đón công dân đầu tiên của Tacloban chào đời sau bão.Tôi cũng nhìn thấy dòng người xếp hàng trật tự mua bánh mỳ, trong đó có cả những người lính, cảnh sát với súng. Họ không đòi hỏi đặc quyền gì.Tôi cũng nhìn thấy những dòng chữ nguệch ngoạc: chúng tôi cần thực phẩm, cần nước, chỉ thế thôi. Cho lũ trẻ! Không phải cho chúng tôi!Ở bệnh viện tỉnh Leyte, khi tôi đến, một tình nguyện viên người Pháp là Catherine của Medecins Sans Frontiers buồn bã nói với tôi: "Sáng nay chúng tôi tìm thấy 4 thi thể. Bất chợt tôi nhìn lên dãy cột và thấy một dòng chữ: “Help the other and also “me”. "Hãy cứu những người khác, và tôi sau" (chữ tôi nhỏ bé, trong ngoặc kép). Tôi không biết người vô danh nào đã viết dòng chữ này trong cơn tuyệt vọng, nhưng tôi tin rằng đó là một bác sĩ, hay một y tá đã làm hết bổn phận của mình trước khi tất cả biến mất".
Hãy cứu người khác và tôi sau 
Thực sự có những điều đẹp đẽ, cảm động nhất của con người đã diễn ra trong một thảm kịch kinh hoàng, có thể coi là lớn nhất ở Philippines, lớn hơn cả cơn động đất sóng thần 1976 và cơn bão Thelma năm 1991./.