Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman hôm 22/11 tới Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), bắt đầu chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ sau vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi hồi đầu tháng 10/2018. Vụ việc xảy ra tại lãnh sự quán Saudi Arabia ở Thổ Nhĩ Kỳ này đã đặt Saudi Arabia trước nhiều sức ép, thậm chí là từ chính những nước đồng minh của mình.
Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman. Ảnh: Reuters. |
Đón chào Thái tử Mohammed bin Salman là 21 phát đại bác được bắn tại sân bay ở Abu Dhabi, thủ đô của các Tiểu vương quốc Arab thống nhất. Đây là một đồng minh gần gũi, đồng thời là quốc gia luôn sát cánh với Saudi Arabia trong cuộc can dự tại Yemen từ năm 2015. Thái tử Mohamed ben Zayed Al Nahyane và nhiều quan chức cấp cao nước này cũng có mặt tại sân bay.
Trước đó, Văn phòng Chính phủ Saudi Arabia chỉ ra thông báo ngắn gọn rằng, Thái tử Mohammed bin Salman sẽ thực hiện một chuyến công du theo chỉ thị của Quốc vương Salman, song không nêu rõ điểm đến là những nước nào. Thông cáo của Chính phủ Saudi Arabia nhấn mạnh, Quốc vương luôn mong muốn tăng cường các mối quan hệ ở cấp độ khu vực và quốc tế, cũng như tiếp tục hợp tác và tiếp xúc với những nước anh em trong tất cả các lĩnh vực.
Một số nguồn tin tiết lộ, dự kiến ngày 27/11 tới, Thái tử Mohammed bin Salman sẽ tới Tunisia. Trong khi đó, tại Thổ Nhĩ kỳ, Người phát ngôn Văn phòng Tổng thống nước này cho biết, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan và Thái tử Mohammed bin Salman có thể gặp nhau vào tuần tới bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) tại Argentina.
Đây có thể sẽ là cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ sau vụ sát hại nhà báo Saudi Arabia Khashoggi tại Thổ Nhĩ Kỳ. Vụ việc đang phủ bóng lên các mối quan hệ của Saudi Arabia, trong đó có cả với những nước đồng minh của nước này. Dù tới nay nguyên nhân cũng như thủ phạm đứng đằng sau vẫn chưa được xác định, song vụ sát hại đã gây ảnh hưởng tới hình ảnh của Saudi Arabia nói chung, cũng như Thái tử Mohammed bin Salman nói riêng.
Dù chưa bao giờ công khai chỉ trích Thái tử Mohammed bin Salman, song chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định vụ sát hại “được chỉ đạo từ những nhân vật ở cấp cao nhất của Saudi Arabia”, đồng thời chỉ trích nước này chưa hợp tác đầy đủ trong các cuộc điều tra.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nhấn mạnh:“Tới nay chúng tôi vẫn chưa nhận được những câu trả lời thỏa đáng. Cộng đồng quốc tế muốn cuộc điều tra này nhanh chóng kết thúc. Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với tất cả các bên, đặc biệt là Saudi Arabia. Chúng tôi quyết tâm cùng với cộng đồng quốc tế thực hiện tốt cuộc điều tra này”.
Truyền thông Mỹ hồi tuần trước dẫn báo cáo của Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) cho rằng, Thái tử Mohammed bin Salman đã ra lệnh sát hại nhà báo Khashoggi. Dù Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi đầu tuần đã bác bỏ đánh giá “vội vàng” của CIA và khẳng định sự ủng hộ đối với các nhà lãnh đạo Saudi Arabia, song cũng không khỏi khiến đồng minh Saudi Arabia “phật lòng”, cho rằng đây là những kết luận vô căn cứ.
Ngoại trưởng Saudi Arabia, Adel al-Jubeir tuyên bố: “Thái tử Saudi Arabia tuyệt đối không có liên quan đến vấn đề này và trên thực tế đây cũng là khẳng định của Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ. Đây là tuyên bố không cơ sở. Chúng tôi hiểu rõ những kẻ gây ra vụ việc đã vượt ra khỏi pháp luật, phạm sai lầm to lớn và chắc chắn sẽ phải trả giá”.
Chính vì thế, theo ông Kristin Diwan, chuyên gia phân tích thuộc Viện các quốc gia Arab vùng Vịnh tại thủ đô Washington (Mỹ), giữa lúc những hoài nghi bủa vây, chuyến công du khu vực này có thể được nhìn nhận như một chuyến đi nhằm vực dậy niềm tin. Điều này thể hiện rõ ở việc lựa chọn các điểm đến đều là những nước bạn bè của Saudi Arabia và mục đích rõ ràng là buộc những nước này phải thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ hơn đối với Thái tử Mohammed bin Salman. Bên cạnh đó, Chính phủ Saudi Arabia cũng muốn tạo một mặt trận chung tại khu vực trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Argentina.
Vụ sát hại nhà báo Khashoggi đã khiến các nước phương Tây, trong đó có đồng minh Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Saudi Arabia trong nhiều lĩnh vực. Sau một thời gian phủ nhận mọi liên quan, chính phủ Saudi Arabia dưới sức ép quốc tế cuối cùng đã phải thừa nhận, nhà báo Khashoggi đã bị mưu sát trong lãnh sự quán nước này tại Istanbul và cam kết sẽ hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ nhằm điều tra làm rõ vụ việc. Tới nay, cơ quan công tố Saudi Arabia đã truy tố 11 đối tượng và kết án tử hình đối với 5 người trong số này./.