Trong lúc quốc tế đang rúng động về vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi thì 3 nguồn tin thân cận với “triều đình” Saudi Arabia cho hay, một số thành viên Hoàng gia đang vận động ngầm để ngăn Thái tử Mohammed bin Salman chính thức trở thành Quốc vương đất nước này.

am_muu_lat_do_thai_tu_salman_cua_saudi_acgz.jpg
Thái tử Saudi Arabia, Mohammed bin Salman. Ảnh: Reuters.

Các nguồn tin cho hay, hàng chục hoàng tử và người họ hàng thuộc các nhánh đầy quyền lực của dòng họ Al Saud muốn chứng kiến một sự thay đổi trong danh sách kế vị, nhưng chưa muốn hành động khi mà Quốc vương Salman, người cha 82 tuổi của Thái tử, vẫn còn sống.

Các nhân vật này thừa nhận, nhà vua ít khả năng chống lại người con trai mà ông yêu quý, thường được phương Tây gọi tắt theo chữ Latin là MbS.

Nhân tố thay thế Thái tử Salman

Theo các nguồn tin nói trên, thay vì hành động ngay, những người này thảo luận khả năng sau khi Quốc vương qua đời, Hoàng tử Ahmed bin Abdulaziz (76 tuổi) - em trai của Quốc vương Salman và là chú ruột của Thái tử Salman, sẽ lên ngôi.

Hoàng tử Ahmed là người anh em ruột (cả phía cha và mẹ) duy nhất còn sống của Quốc vương Salman. Một nguồn tin Saudi cho biết, ông này sẽ giành được sự ủng hộ của các thành viên trong Hoàng tộc, bộ máy an ninh và một số cường quốc phương Tây.

Hoàng tử Ahmed trở lại thủ đô Riyadh vào tháng 10 sau khi ở nước ngoài 2 tháng rưỡi. Trong chuyến xuất ngoại, có vẻ ông đã chỉ trích ban lãnh đạo Saudi Arabia và hưởng ứng những người biểu tình bên ngoài một khu cư dân ở London (Anh), hô vang khẩu hiệu đòi chấm dứt triều đại Al Saud.

Hồi năm 2017, hai nguồn tin Saudi khi ấy cho hay, Ahmed là một trong 3 người duy nhất trong Hội đồng Trung thành (gồm các thành viên cấp cao của Hoàng gia) là phản đối MbS trở thành Thái tử.

Nhà Saud gồm hàng trăm hoàng tử. Không như các nhà nước quân chủ châu Âu điển hình, ở Saudi Arabia không có việc tự động truyền ngôi từ cha sang con trai cả. Thay vào đó, các truyền thống bộ lạc của vương quốc này quy định rằng nhà vua và các thành viên cao cấp của Hoàng gia đến từ mỗi nhánh sẽ lựa chọn người kế vị mà họ coi là phù hợp nhất cho vai trò lãnh đạo.

Theo các nguồn tin Saudi trực tiếp biết về các cuộc tham vấn, các quan chức cấp cao Mỹ bóng gió với các cố vấn Saudi Arabia trong các tuần gần đây rằng họ sẽ ủng hộ Hoàng tử Ahmed, người từng giữ chức Thứ trưởng Bộ Nội vụ Saudi trong 40 năm, với tư cách là người kế vị tiềm năng.

Các nguồn tin này nói rằng họ tin là Hoàng tử Ahmed sẽ không thay đổi hay đảo ngược bất cứ cải cách xã hội và kinh tế nào do MbS khởi xướng. Họ tin, Ahmed sẽ tôn trọng các hợp đồng mua vũ khí hiện nay và sẽ khôi phục sự thống nhất của gia đình.

Mỹ quan sát

Một quan chức cấp cao Mỹ nói rằng Nhà Trắng không vội vã tạo khoảng cách với Thái tử Salman bất chấp áp lực từ các luật sư và đánh giá của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cho rằng Thái tử MbS ra lệnh giết chết nhà báo Khashoggi. Tuy nhiên điều này có thể thay đổi nếu như Tổng thống Mỹ Trump nhận được từ cộng đồng tình báo Mỹ một báo cáo cụ thể rõ ràng về vụ sát hại này.

Quan chức trên cũng cho biết, Nhà Trắng nhận thấy điều đáng lưu ý là trong một phát biểu ở Riyadh vào hôm 19/11, Quốc vương Salman dường như sát cánh với con trai của mình và không đả động trực tiếp tới vụ sát hại Khashoggi, ngoại trừ việc ca ngợi công tố viên Saudi.

Tổng thống Donald Trump vào hôm 17/11 đã gọi bản đánh giá của CIA về việc MbS hạ lệnh giết chết Khashoggi là điều “quá sớm” nhưng vẫn có khả năng xảy ra. Khi ấy, ông Trump tuyên bố sẽ nhận được một báo cáo đầy đủ về vụ này vào hôm 20/11.

Các nguồn tin Saudi cho biết, các quan chức Mỹ đã trở nên dửng dưng với Thái tử Salman không chỉ vì mối nghi ngờ về vai trò của ông này trong vụ ám sát Khashoggi mà còn vì họ cảm thấy bực tức trước việc Thái tử Salman gần đây hối thúc Bộ Quốc phòng Saudi xem xét khả năng mua vũ khí từ các nguồn khác như là Nga.

Trong một lá thư đề ngày 15/5 mà phóng viên Reuters có được, Thái tử Salman yêu cầu bộ quốc phòng nước ông “tập trung vào mua các hệ thống vũ khí, khí tài ở các lĩnh vực cấp bách nhất”, và huấn luyện làm chủ các trang thiết bị đó, bao gồm cả hệ thống tên lửa đất đối không S-400 của Nga.

Sóng lớn bất lợi cho MbS

Vụ giết hại tàn bạo nhà báo Khashoggi – một người chỉ trích gay gắt Thái tử Salman, ngay tại lãnh sự quán Saudi ở Istanbul vào đầu tháng 10 đã vấp phải sự lên án trên toàn cầu, bao gồm cả từ các chính trị gia và quan chức ở Mỹ - một đồng minh chủ chốt của Saudi Arabia.

CIA tin rằng Thái tử Salman đứng đằng sau vụ án mạng này nhưng công tố viên Saudi lại cho rằng Thái tử chẳng liên quan.

Dư luận quốc tế đã tạo sức ép lên triều đình Saudi vốn đã bị chia rẽ về sự trỗi dậy nhanh chóng của Hoàng tử Mohammed bin Salman 33 tuổi.

Kể từ khi gia tăng quyền lực, Hoàng tử Mohammed đã giành được sự ủng hộ của nhiều người dân với các cải cách kinh tế-xã hội gây tiếng vang, trong đó có việc dỡ bỏ lệnh cấm phụ nữ lái xe và cho phép mở các rạp chiếu phim tại vương quốc bảo thủ này.

Các cải cách của Thái tử Mohammed bin Salman đi kèm với cuộc chiến tốn kém ở Yemen và thanh lọc các quan chức cấp cao trong Hoàng gia và các doanh nhân với các cáo buộc tham nhũng.

Thái tử Salman cũng được cho là đã củng cố quyền lực thông qua các cơ quan tình báo và an ninh của Saudi Arabia, và gạt sang bên lề nhiều thành viên cấp cao khác trong Hoàng gia.

Hồi tháng 6/2017, ông Salman đã hạ bệ Bộ trưởng Nội vụ Mohammed bin Nayef (MbN), lúc đó 59 tuổi. Sau đó, ông loại bỏ thêm Hoàng tử Miteb bin Abdullah, 65 tuổi, con trai của cố Quốc vương Abdullah, lúc Miteb đứng đầu cơ quan Vệ binh Quốc gia, rồi bắt giữ ông trong khuôn khổ một chiến dịch chống tham nhũng.

Tổng cộng khoảng 30 hoàng tử khác đã bị bắt giữ, tịch thu tài sản hoặc chịu một số hình thức xử lý khác.

Một cuộc lật đổ êm thấm?

Theo một nguồn tin nội bộ Saudi, nhiều hoàng tử thuộc giới cấp cao trong Hoàng gia Saudi tin rằng việc thay đổi người kế vị sẽ “không được kích động sự kháng cự nào từ các cơ quan tình báo và an ninh mà Thái tử Salman kiểm soát” bởi lẽ các cơ quan này trung thành với Hoàng gia rộng hơn. “Cơ quan an ninh sẽ đi theo bất cứ sự đồng thuận nào mà Hoàng gia đạt được”.

Các nguồn tin Saudi và giới ngoại giao cho hay, Mỹ - đồng minh chính của Saudi về kinh tế và an ninh, nhiều khả năng sẽ là nhân tố quyết định các vấn đề đang khai mở dần dần ở Saudi Arabia.

Tổng thống Trump và con rể Jared Kushner có mối quan hệ cá nhân sâu sắc với Thái tử Salman. Nhưng ông Trump và giới chức Mỹ đã tuyên bố rằng các quan chức Saudi sẽ phải chịu trách nhiệm về bất cứ sự liên can nào trong cái chết của nhà báo Khashoggi. Chính quyền ông Trump đã áp đặt lệnh trừng phạt lên 17 công dân Saudi Arabia với cáo buộc họ dính líu vào vụ sát hại Khashoggi. Trong số này có một trợ lý thân cận của Thái tử Salman.

Khi nhà vua chết hoặc còn khả năng cai quản, Hội đồng Trung thành – một cơ quan đại diện cho mỗi dòng của Hoàng gia tạo sự hợp pháp cho các quyết định kế vị, sẽ không tự động tuyên bố MbS là tân Quốc vương.

Một trong 3 nguồn tin Saudi cho biết, MbS thậm chí vẫn cần sự phê chuẩn của hội đồng này để được trở thành Thái tử.

Các nguồn tin nội bộ Saudi cho rằng MbS đã làm mất đi các trụ cột thể chế của nhà Saud trong gần một thế kỷ qua - là gia đình, giới tăng lữ, các bộ lạc và các gia đình buôn bán. Theo nội bộ Saudi, như thế là gây bất ổn định./.